Ngôi trường năm ấy chúng ta cùng theo đuổi
Mãi đến tận sau này, khi đã đi qua năm rộng tháng dài tôi mới nhận ra rằng: không có nơi nào mà tuổi trẻ của tôi lại đẹp đẽ, lại nguyên sơ như ở ngôi trường cấp 3 năm ấy chúng tôi từng theo đuổ i- trường THPT Nghèn.
Với mỗi người, ngôi trường mang những ý niệm riêng biệt. Cũng chính bởi nó gắn liền với ta bằng những hồi ức riêng biệt. Với tôi, ngôi trường ấy là cả một quá khứ, cả một trời tuổi thơ cũ kĩ mà đã có nhiều lần, tôi muốn được đắm chìm trong thế giới ấy một lần nữa. Nhắc đến trường, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến những kỉ niệm thời học trò, nhớ thầy cô, nhớ bè bạn. Tôi cũng giống như bao người, nhưng ngoài những ký ức chung ấy, tôi còn nhớ cả bức tường vôi cũ bạc phếch xiêu vẹo của dãy nhà cấp 4 cũ cùng màu nắng chiều điểm những vệt úa lên đó. Thực ra nó cũng chỉ là một khung cảnh quá đỗi bình thường với mọi người. Nhưng có một dạo, tôi cảm thấy nó buồn, buồn đến độ cảm tưởng như tuổi trẻ của mình đang khóc vì ngày trôi. Nó cũng vô hình biểu tượng cho năm tháng, là minh chứng cho quá trình phát triển của trường tôi.
Nhắc đến kỉ niệm về mái trường thì nó mãi là khúc nhạc du dương và tha thiết. Và dù dĩ vãng có dày lên, tương lai còn là vô tận thì người ta vẫn luôn mơ về những ngày tháng êm đềm ấy. Có những câu chuyện vui khiến bạn bật cười, cũng có vài nốt buồn khiến bạn cứ ngẩn ngơ mà bật khóc. Nhưng dù có là gì đi nữa thì mỗi lần khơi lại là mỗi lần bạn đắm chìm trong niềm hạnh phúc trở về tuổi học trò, quên đi bao bộn bề của cuộc sống, để thêm tin yêu và quý trọng từng phút giây của hiện tại. Trường cũ của tôi bây giờ đã ba mươi tuổi. Ba mươi năm qua biết bao đổi dời, biết bao thăng trầm. Chúng tôi vẫn còn rất trẻ nhưng ngôi trường thì đã nhuốm màu thời gian. Ở nơi đó, không phải chỉ là một cuộc đời mà biết bao nhiêu cuộc đời đã từng dừng lại, ghé chân rồi ra đi. Ở nơi đó không chỉ là mái nhà cho một người mà cho một lớp người, đến rồi đi, nhưng có bao nhiêu người quay đầu nhìn lại? Những lần có cơ hội gặp lại bạn học năm xưa, chúng tôi thường vô tình nhắc lại những hoài niệm. Bạn nói rằng bạn thèm được sống lại những năm tháng học trò vô lo vô nghĩ, có chăng cũng chỉ là lo chuyện thi cử, hôm nay chưa học thuộc bài, ngày mai chưa làm bài tập. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi nhưng quá đỗi ngọt ngào, rất mực đẹp đẽ. Để rồi nghẹn đắng nơi cổ họng khi chợt nhận ra không còn con đường nào trở về thời ấu thơ, ngồi dưới gốc phượng già, sống một đời tuổi trẻ bên mái trường THPT Nghèn đáng mến.
Con người ta kỳ lạ lắm. Họ hay ràng buộc mình với một nỗi u hoài trong quá khứ mà thường bỏ quên hiện tại. Nhưng rồi đến lúc cái thời khắc ở hiện tại trôi đi thì người ta lại thở dài vì nó, như một thói quen cố hữu. Có lẽ, tuổi trẻ thường như vậy. Thời học trò của tôi có lắm điều thú vị mà tôi thường bỏ quên, cứ hoài niệm về một thời học trò xưa cũ hơn. Và khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi lại tiếp tục ngoảnh nhìn về hồi ức, lại chợt tiếc quãng đời cấp ba vội vàng theo những vòng xe. Nhiều lúc tự thấy hối hận vì chưa sống hết mình trong những thời khắc đó, nhưng chính vì hối hận nên tôi mới luôn nhớ mãi đến thời học sinh, biến nó trở thành những hồi ức đẹp đẽ. Hạnh phúc thì dễ lãng quên nhưng buồn đau luôn ở lại. Cái toàn vẹn đôi khi lại không khiến người ta thương nhớ bằng những điều khiếm khuyết.
Những ngày đầu tiên vào mái trường cấp ba ấy, chúng tôi làm quen, học tập, thi đua, vừa chơi vừa học. Đến năm lớp mười hai, khi đã nhận ra bước chuyển mình của thời gian, chúng tôi mới bắt đầu thấy hối tiếc nhẹ. Vì sao chỉ là hối tiếc nhẹ? Là bởi vì chúng tôi vẫn chỉ là học sinh, chúng tôi chưa trải đời, chúng tôi chưa nghĩ xa hơn về một ngày rời mái trường, lăn lộn, lo toan với bộn bề cuộc sống, và cũng bởi thói quen: cái gì đã qua mới thấy nhớ, thấy tiếc. Tôi nhớ những ngày ôn thi cuối cấp, trời nắng như đổ lửa, bóng dáng hanh hao của cô thầy vẫn miệt mài, tận tụy đồng hành cùng những học sinh thân yêu. Bên ngoài dù trời có ồn ào đổ cơn mưa mùa hạ thì trong lớp vẫn sang sảng tiếng giảng bài của thầy cô. Đó là cách giải bài tích phân của thầy Trường, là những số phận phải chịu cảnh “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” của cô Hiên trong kiệt tác Truyện Kiều, là chủ quyền biển đảo quốc gia trong môn địa lý của thầy Thắng…là những bài học về đạo làm người mà không một sách vở nào dạy. Ba năm, khoảng thời gian không dài đối với một đời người nhưng đủ để ta thương, đủ để ta nhớ, đủ để cho ta lưu giữ những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè. Ngày ấy đã có lúc tôi lo sợ phải rời xa nơi tôi nhiều khi ghét cay ghét đắng, sợ phải chia tay những người bạn vẫn cùng mình đùa nghịch hằng ngày, và hơn hết là sợ mất đi những năm tháng tuổi trẻ khôi nguyên mà rực rỡ.
Cuộc đời đã cho tôi nhiều bài học trái chiều. Khi đã nếm trái đắng trong đời, tôi mới thấy rằng, cuộc sống dưới mái trường quá đỗi tươi vui và giản dị. Buổi ban sơ ngây dại ấy là miền hồi ức đẹp đẽ và bình yên nhất. Mọi thứ rồi sẽ đổi thay, nhưng trường Nghèn thì vẫn nằm yên đó, lặng lẽ buồn vui, lặng lẽ già đi theo năm tháng. Ngôi trường kể về cuộc đời mình bằng những câu chuyện vô ngôn. Đó là quyển nhật ký không lời của biết bao nhiêu con người, biết bao thế hệ bằng một loại mực có tên là “năm tháng”. Và sau nhiều tháng ngày rời xa, chúng ta tìm về và họa lại cuộc đời mình bằng những trang nhật ký chưa bao giờ trọn vẹn.
Rời xa mái trường này, mỗi người một ngả, mỗi người lại có một lối rẽ riêng cho mình nhưng tôi tin rằng thầy cô vẫn luôn ở đây, luôn cất giữ hình ảnh của chúng tôi ở trong một góc nhỏ, tự hào khi chúng tôi thành công và mỉm cười khi chúng tôi hạnh phúc. Cảm ơn các thế hệ đi trước đã xây dựng nên một nền tảng vững chắc, một bề dày truyền thống ba mươi năm lịch sử để cho chúng tôi và những thế hệ sau bước tiếp. Muốn gửi đôi lời nhắn nhủ đến các em ở thế hệ tiếp theo hãy nghĩ về những ước mơ ở trong ngôi trường này, bởi nơi đây, ước mơ của các em sẽ được lòng nhiệt thành của thầy cô định hướng và nuôi dưỡng. Có lẽ bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ, nhưng một lần nữa xin gửi lời cảm ơn chân thành đến mái trường này, nơi đã cho tôi gặp được những người thầy, người cô tuyệt vời, những người bạn cùng tôi đi hết năm tháng cuộc đời và những bài học không sách vở nào dạy được. Dù sau này có trải qua bao nhiêu ngôi trường nữa thì tình cảm dành cho trường THPT Nghèn vẫn vẹn nguyên, bóng dáng ngôi trường ấy vẫn nằm trong những mảnh ghép của tâm hồn. Xin phép được trích một đoạn thơ của một cựu học sinh trường Nghèn mà tôi vô tình đọc được để kết lại cho những dòng cảm xúc này:
“Bao năm rồi con lại về nơi đây
Về lại trường xưa vẹn nguyên bao tình nghĩa
Vẫn đong đầy biết bao nhiêu nỗi nhớ
Trường Nghèn vẫn trong ta - trong hơi thở ấm nồng”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hằng Phương B14k25 (2012 - 2015)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptnghen.edu.vn là vi phạm bản quyền
sau này, nhận ra, tuổi trẻ, ý niệm, riêng biệt, gắn liền, quá khứ, tuổi thơ, thế giới, học trò, ký ức, xiêu vẹo, thực ra, khung cảnh, quá đỗi, bình thường, cảm tưởng, vô hình, quá trình, phát triển, du dương
Ý kiến bạn đọc