TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, đã sáng lập, rèn luyện Đảng ta, đồng thời là nhà văn hoá lớn của nhân loại. Tư tưởng của Người đã soi sáng cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra quan điểm, đường lối đúng đắn, tập hợp, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân, đưa cách mạng vượt qua mọi khó khăn thử thách làm lên những thành tựu vĩ đại có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6.1991) đã khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc”. Tư tưởng dân vận, “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận khăng khít, quan trọng trong lý luận chiến lược của Người về Cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với toàn bộ những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam và ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa thế kỷ 20.
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, quyết tâm ra đi, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, Hồ Chủ tịch đã tắm mình trong thực tiễn, cuộc sống lao khổ của nhân dân lao động, của nhân dân bị áp bức, đọa đày, Người đã sớm hiểu rõ vai trò của nhân dân và sự cần thiết, phương thức vận động tập hợp nhân dân làm cách mạng. Người nói “...Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Sau khi mới giành được chính quyền, , Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”
Thuật ngữ “Dân vận khéo” được Hồ Chủ tịch nêu ra trong Bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15 tháng 10 năm 1949. Sau khi chỉ rõ: Dân vận là gì? Ai phụ trách Dân vận? Dân vận phải thế nào? Người đã khái quát, kết luận ngắn gọn: “ Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác Dân vận nói chung, sự cần thiết và phương pháp làm dân vận khéo như thế nào? Đã được Hồ Chủ tịch thể hiện ở nhiều bài viết, nhiều lời huấn thị, ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều thời điểm khác nhau. Tựu chung lại có những nội dung cơ bản sau:
- Trước hết là ở việc làm thế nào để đề ra được đường lối lãnh đạo đúng đắn phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân: Hồ Chủ Tịch nói: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi” ) (Sđd, tập 5, tr.520) Phương pháp để có chính sách đúng, Người chỉ rõ: “Mỗi chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến, kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng” (Sđd, tập 5, tr.293) Vì vậy Đảng cần có các hình thức thích hợp để tham khảo ý kiến rộng rãi của mọi tổ chức chính trị-xã hội, của đông đảo các tầng lớp nhân dân Phải “Khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng”. (Sđd, tập 5, tr.298) Một yêu cầu rất cần thiết là đường lối chính sách đó phải được đúc kết từ thực tiễn kinh nghiệm phong phú của cuộc sống. Chỉ khi đường lối, chính sách được đúc kết từ thực tiễn và trải qua thử nghiệm thực tiễn thì mới trở thành đường lối chính sách đúng đắn. Theo Hồ Chí Minh “Cách lãnh đạo bằng việc đề ra đường lối, chính sách như vậy mới là cách lãnh đạo đúng…
- Khi có chủ trương, đường lối đúng, chính sách đúng thì phải kiên trì vận động nhân dân. “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
- Khi tổ chức thức hiện thì phải bàn bạc, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân: “… bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
- Muốn xây dựng được lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, vận động tập hợp được nhân dân, Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên phải gương mẫu để nhân dân noi theo. Người nhấn mạnh: “...Mỗi đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước làm theo.... Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam”.
“Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”.
Phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phẩm chất đạo đức cách mạng, đỉnh cao của văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử.
Một phong cách mẫu mực liên quan chặt chẽ đến công tác dân vận là gương mẫu làm trước để cán bộ, đảng viên và quần chúng làm theo. Điều này Người đã nói rõ trong bài báo Dân vận: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ biết viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Có thể nói, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị, rất đời thường phản ánh đúng phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người. Nó là sự tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức mà Người sử dụng để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân; vận động, tập hợp nhân dân, phấn đấu cho mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.
Ý kiến bạn đọc