Rss Feed Đăng nhập

Đề cương làm bài thi tìm hiểu tổng bí thư Hà Huy Tập

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/03/2016 21:08
/cmd+vTỈNH ĐOÀN-SỞ GD&ĐT HÀ TĨNH             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM   ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGHÈN                                Độc lập-Tự do- Hạnh phúc
                                                                                                                           
ĐỀ CƯƠNG
Cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Tổng bí thư Hà Huy Tập
 
Đồng chí Hà Huy Tập thuộc lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng ta, là một trong số ít đồng chí được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Sau Cao trào 1930 - 1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cách mạng Việt Nam lâm vào thoái trào, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước để khôi phục phong trào. Đồng chí đã đưa ra những chủ trương đúng đắn trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939). Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập trải qua 15 năm, trong đó có gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ giữa năm 1936 đến tháng 3 năm 1938). Với 12 bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Trong quá trình hoạt động và trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng, với quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống quý báu của Đảng, hiểu rõ hơn về tấm gương chiến đấu, hy sinh và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và quê hương của một người cán bộ ưu tú của Đảng. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển bền vững, từng bước biến khát vọng và niềm tin của đồng chí về một nước Việt Nam độc lập, tự do, văn minh và giàu mạnh trở thành hiện thực ngay trên mảnh đất thân yêu của đồng chí.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh ta đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị tương xứng với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; chủ động ứngphó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị...
Với truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng tiếp tục đưa phong trào ngày càng phát triển, phấn đấu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại; sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Câu 1. Nêu khái quát những truyền thống tốt đẹp của quê hương và con người Hà Tĩnh; những truyền thống đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập?
             Hà Tĩnh là một tỉnh phía Bắc Trung bộ, vùng đất địa linh, nhân kiệt. Nơi đây đã sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của quê hương. Hà Tĩnh được mệnh danh là đất anh hùng, đất thi nhân, đất học...
            Đặc điểm của miền đất Hà Tĩnh đã tạo ra cho quê hương và con người Hà Tĩnh bởi những truyền thống tốt đẹp, tính cách riêng-tính cách người Hà Tĩnh.
            Trước hết là truyền thống lao động cần cù, kiên trì chịu đựng gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi với điều kiện thiên nhiên khắc ngiệt để tồn tại và phát triển. Nhân dân Hà Tĩnh làm ăn sinh sống chủ yếu là nông nghiệp. Bằng bàn tay lao động, họ đã khai phá cải tạo những vùng đất hoang vu cằn cỗi thành ruộng dồng tươi tốt hình thành nên xóm làng trù phú. Cùng với phát triển nông nghiệp, Hà Tĩnh cò phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống có chất lượng cao như Lụa Hạ, đồ rèn Trung Lương, đồ mộc Thái Yên, đồ sành Cẩm Trang, nón lá Đan Du, Phù Việt ; làng Muối Hộ Độ... Ngày nay, trong quá trình CNH, xây dựng nông thôn mới, phát huy lợi thế tự nhiên nhiều vườn cây ăn quả, nhiều làng nghề mới, nhiều khu công nghiệp hình thành...
Tự hào nhất của quê hương và con người Hà Tĩnh đó là truyền thống yêu  nước nồng  nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước.
Không ít những người con của đất này với khát vọng giữ gìn đất nước đã đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đó là Mai Thúc Loan chân đất, áo vải xưng đế, là Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu phò vua đánh giặc Minh với bản lĩnh “chết vinh hơn sống nhục”. Và biết bao anh hùng, nghĩa sĩ khác như Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, nhà yêu nước Nguyễn Hằng Chi, Trịnh Khắc Lập, Mai Lão Bạng; nhiều chiến sỹ cộng sản lỗi lạc như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, Lý Tự Trọng - người đoàn viên Cộng sản đầu tiên, Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ Lịch sử. anh hùng La Thi Tám... Không thể kể hết những tên đất, tên Làng và những người con anh hùng của quê hương đã đi vào lịch sử dân tộc trở thành huyền thoại như Ngã ba Đồng Lộc anh hùng, Làng K130 huyền thoại, Núi Nài...
Cũng từ sự khắc nghiệt đó mà người Hà Tĩnh đã hình thành nên truyền thống Hiếu học. Đó là ham học hỏi, tôn sư trọng đạo, có chí học hành vì thế thời nào cũng có người đỗ đạt cao. Tính từ cuối Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có tới 148 vị đăng khoa. Đặc biệt tự hào sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng  như Đại thi hào Nguyễn Du; Nguyễn Huy Tự nhà thơ, nhà kinh tế thủy lợi tài ba Nguyễn Công Trứ, La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà sử học Phan Huy Chú…; nhiều nhà khoa học nổi tiếng như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ; Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác ... Hà Tĩnh nổi lên trong lịch sử với truyền thống đất khoa bảng, đất thi nhân.Đây là quê hương của các điệu hát ví phường vải, ví đò đưa sông Lam, sông La, ví phường nón, hát giặm, ca trù, hò chèo cạn, hát sắc bùa…
Đất sao người vậy. Đây là nơi sản sinh nhiều thi nhân hiến dâng tài năng, tâm huyết cho nền văn hiến Việt Nam, tiêu biểu là đại gia đình Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Hổ lập thư viện, mở trường dạy học, viết văn, đi sứ cho nhà vua… Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, đất nước nở rộ nhiều tài năng và mảnh đất này cũng đã dâng cho đất nước nhiều dòng họ văn chương, khoa bảng như: họ Trần, họ Phan ở Tùng Ảnh, họ Lê ở Trung Lễ, họ Hoàng Xuân ở Đức Nhân (Đức Thọ); họ Phan Huy ở Thạch Châu (Lộc Hà)… Nổi danh là Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân). Ông là sự kết tinh của văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Kinh Bắc với văn hóa Tràng An để rồi hòa nhập vào văn hóa thế giới với khuôn mặt không thể trộn lẫn. Với những tác phẩm chất chứa tinh thần nhân đạo, ngòi bút đầy rung cảm và tài năng văn chương lỗi lạc, Nguyễn Du đã làm đẹp thêm văn hóa Việt Nam, đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã viết: “Nguyễn Du là hiện tượng từ trước đến nay chưa từng có, nay chưa có và mai sau chắc gì đã có”.
Trong một thời gian dài của Lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh được coi là “ miền chảo lửa của Tổ quốc, sinh ra trong vùng đất có điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường xuyên phải đối mặt với giặc ngoại xâm nên người Hà Tĩnh cò sớm hình thành truyền thống đoàn kết tương thân tương ái sống nghĩa tình thủy chung, giản dị và tiết kiệm.
Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, Nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
         Cẩm Hưng (trước là Tổng Thổ Ngọa, sau đổi thành xã Cẩm Hưng) - quê hương của đồng chí Hà Huy Tập nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cạnh đường Quốc lộ 1A. Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương của Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Nhờ đức tính cần cù, ham học hỏi nên trải qua các triều đại có nhiều người đỗ đạt cao như: Dương Chấp Trung, Lê Tự, Biện Hoàng Tổng đậu tiến sĩ, Lê Phúc Nhạc đậu chế khoa... và rất nhiều người đậu hương cống, cử nhân. Quan võ cũng lắm người tài ba như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trụ, Nguyễn Thạch, Nguyễn Giám... thời Tây Sơn có Đô đốc Dương Văn Tào, Dương Văn Phong, Nguyễn Khắc Trọng, Thượng tướng Nguyễn Biên danh tiếng lẫy lừng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Cẩm Xuyên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Xuyên luôn tự hào là quê hương của các phong trào cách mạng lớn, của những người lãnh tụ xuất sắc trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Với những truyền thống tốt đẹp đó, nhân dân Hà Tĩnh nói chung và nhân dan Cẩm Xuyê nói riêng đã đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó vừa là sức mạnh của quê hương đồng thời là hành trang và nguồn cổ vũ cho lớp lớp thanh niên cách mạng qua mọi thời đại. Trong số những người con ưu tú của quê hương, Hà Huy Tập đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng những tốt đẹp của quê hương và trở thành người con ưu tú của Đảng, của cách mạng và của dân tộc ta. Đồng chí Hà Huy Tập, cố Tổng bí thư của Đảng đã phát huy truyền thống quê hương, tô điểm cho non sông đất nước sáng ngời một tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Câu 2. Trình bày tóm tắt về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập còn có những tên gọi nào? Hãy nêu bối cảnh, nội dung và các sự kiện lịch sử gắn liền với các tên gọi đó.
  Trả lời:
* Thân thế đồng chí Hà Huy Tập
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê. Ông Hà Huy Tường và bà Nguyễn Thị Lộc sinh được năm người con, ba trai, hai gái. Hà Huy Tập là người con thứ hai của gia đình. Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, tài sản chỉ có 3 gian nhà tranh và khoảng 2 mẫu tây ruộng. Đã có lúc gia đình phải bán đi một vài sào đất cho những người giàu có trong làng để trả nợ và ăn chờ đến mùa sau.
         Năm 1913, Hà Huy Tập bắt đầu đi học ở trường xã. Năm 1917, học xong trường xã, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp trường sơ học ở tổng Thổ Ngọa. Vì hoàn cảnh nghèo nên không học tiếp. Đến tháng 9 năm 1917, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ (thị xã Hà Tĩnh) tiếp tục học bậc tiểu học. Năm 1919, nhà trường mở đợt thi tuyển những học sinh giỏi để xét cấp học bổng, Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa và được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu. Không có tiền học lên tiếp, Hà Huy Tập đành phải xin làm giáo viên ở một trường tiểu học ở thị xã Nha Trang, sau chuyển về Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Là một giáo viên cương trực, thẳng thắn, Hà Huy Tập luôn đã kích những hành động sai trái của bọn thực dân, phong kiến, đứng về phe những người nghèo khổ và bênh vực cho họ. Chính trong thời gian này, Hà Huy Tập được tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, chủ yếu là những sách, báo viết về quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương, về cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động Đông Dương nói chung, của người dân lao động Việt Nam nói riêng dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, đồng chí luôn trăn trở và đi tìm lời giải đáp cho một câu hỏi lớn đặt ra là làm cách nào để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.
  * QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
            Sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành, giác ngộ cách mạng của Hà Huy Tập là mùa thu năm 1926, đồng chí được gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) - một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh. Trong thời gian này, Hà Huy Tập được đọc một số sách, báo Cộng sản từ Pháp gửi về như: tác phẩm Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc, báo LeParia (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, báoL’ Humanité (Nhân đạo) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản... Thông qua những tài liệu này, con đường đấu tranh cách mạng từng bước được định hình rõ, Hà Huy Tập hiểu được động lực chính của cách mạng và cái đích hướng tới của những người cộng sản, hiểu được vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong đấu tranh cách mạng. Nhận thức được điều đó, Hà Huy Tập tích cực tuyên truyền, giác ngộ công nhân, kêu gọi mọi người đoàn kết cùng tranh đấu.
Ngoài việc dạy học ở trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập còn dành thời gian mở một số lớp học cho công nhân ở Vinh; bề ngoài là chống mù chữ, nhưng bên trong là tập hợp công nhân lại để tuyên truyền… Hà Huy Tập còn tham gia vào nhóm công tác bí mật, tổ chức đưa những thanh niên ưu tú sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ngoài ra, đồng chí còn tổ chức chi bộ thanh niên ở ngay lớp học văn hóa của công nhân. Những hoạt động của đồng chí trong cuộc vận động cách mạng đã mang lại một số kết quả. Nhưng rồi, viên công sứ Vinh đã phát hiện ra những hoạt động cách mạng bí mật tại trường Cao Xuân Dục, chúng đã tìm cách đóng cửa các lớp học, bằng cách thuyên chuyển các thầy giáo đi nơi khác (trong đó có Hà Huy Tập).
Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn, xin dạy tại trường tiểu học tư thục mang tên “An Nam học đường” vừa để kiếm sống, vừa che mắt địch. Trong thời gian ở Sài Gòn, Hà Huy Tập cùng với Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ, Nguyễn Khoa Hiền sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Đảng ở Nam Kỳ do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký. Kỳ bộ có vài chi bộ với vài chục đảng viên, chủ yếu tập trung ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Tháng 1/1928, Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai với tư cách là đại biểu đại diện cho Kỳ bộ Nam kỳ tham dự Hội nghị toàn quốc của Hội Hưng Nam tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị bàn việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Do chưa thống nhất được với nhau về biện pháp hợp nhất nên Hội nghị không đạt kết quả. Sau Hội nghị này, Hà Huy Tập ở lại Hà Tĩnh và Nghệ An một thời gian tham dự một số cuộc họp của Hội Hưng Nam và đi khảo sát tình hình ở các địa phương. Ngày 16/1/1928, Hà Huy Tập kết hôn với Nguyễn Thị Giáo là học sinh trường Đồng Khánh (Huế) giác ngộ cách mạng, vào Sài Gòn hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam kỳ. Hà Huy Tập và Nguyễn Thị Giáo sinh được một người con gái đặt tên là Hà Thị Thúy Hồng.
Sau khi Tân Việt được thành lập, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, Kỳ bộ Tân Việt ở Nam Kỳ hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Tháng 6/1928, Hiệu trưởng “An Nam học đường” ký quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do kích động học sinh bãi khóa nhiều lần. Rời khỏi “An Nam học đường”, Hà Huy Tập xin vào làm công cho một hiệu buôn, nhưng chỉ sau hai tháng đồng chí bỏ hiệu buôn xuống Bà Rịa làm công cho một đồn điền trồng mía ở Phú Mỹ. Tại đây, Hà Huy Tập lập ra một chi bộ công nhân do đồng chí trực tiếp làm bí thư, tổ chức nhiều lớp xóa nạn mù chữ cho công nhân và tổ chức nhiều cuộc đình công của công nhân chống chế độ hà khắc của bọn chủ đồn điền.
Tháng 12/1928, xảy ra vụ Bácbie ở Sài Gòn. Cảnh sát Nam Kỳ tiến hành lục soát xung quanh khu vực xảy ra vụ án. Không may chúng tìm thấy văn phòng bí mật và cơ sở ấn loát của Kỳ bộ Tân Việt. Chúng tìm thấy nhiều tài liệu quan trọng, bút tích viết bằng tay của các đồng chí, phần nhiều do Hà Huy Tập viết, khi đồng chí đang làm thư ký của Kỳ bộ. Trước tình hình đó, Kỳ bộ Tân Việt chủ trương cho một số đồng chí đi tạm lánh một thời gian để tránh sự vây ráp, săn lùng của địch. Cuối tháng 12/1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn đi Trung Quốc, ở Thượng Hải một thời gian, rồi tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Các đồng chí trong tổ chức gợi ý cho đồng chí nên sang Liên Xô học. Tháng 5/1929, thông qua Tổng lãnh sự Liên Xô tại Trung Quốc, Quốc tế Cộng sản đồng ý cấp giấy thông hành cho Hà Huy Tập sang Liên Xô học. Ngày 24/7/1929, Hà Huy Tập vào học tại Trường Đại học Phương Đông. Những năm tháng học tại trường, đồng chí có dịp tiếp xúc, trao đổi với những sinh viên người Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan... Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, nghiên cứu Đề cương cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được thông qua tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản. Ngoài ra, Hà Huy Tập còn say sưa tìm đọc các tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác - Ăng ghen, những nguyên lý chủ nghĩa Cộng sản của Ăngghen, những bài viết của Lênin bàn về Chủ nghĩa Mác.
Tháng 4/1932, Hà Huy Tập trở về nước, nhưng do sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát và mật thám đã làm gián đoạn lộ trình về nước của đồng chí. Cuối tháng 6/1932, Hà Huy Tập phải quay trở lại Liên Xô. Những ngày ở Liên Xô, đồng chí tập trung sức lực, thời gian viết cuốn sách: Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp với bút danh Hồng Thế Công. Cuốn sách nêu bật vai trò đấu tranh của công nhân Đông Dương, sôi nổi hơn cả là phong trào cách mạng của nhân dân Trung Kỳ, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1934, Hà Huy Tập đến Trung Quốc, liên lạc được với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác. Tháng 3/1934, các đồng chí đã thành lập ra Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài gồm: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930 - 1931. Các đồng chí đã liên lạc với các tổ chức Đảng trong nước, gửi tài liệu huấn luyện và chỉ đạo các mặt hoạt động, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng. Từ ngày 27 đến 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị do Hà Huy Tập trình bày và một số Nghị quyết quan trọng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 5 đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Ngân... Hà Huy Tập được bầu làm thư ký Ban chỉ huy ở ngoài.
       Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hà Huy Tập tham dự Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị phân công đồng chí Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các mối quan hệ với các tổ chức Đảng trong nước. Cũng trong thời gian này, Hà Huy Tập và cơ quan Trung ương Đảng từ Trung Quốc bí mật chuyển về vùng Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) cách Sài Gòn 15 km để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10/1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mới. Tại Hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 9/1937, tại Bà Rịa, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Hà Huy Tập với vai trò, trách nhiệm của mình đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết và ra Nghị quyết chính thức của Hội nghị.
Ngày 01/5/1938, trong một chuyến đi công tác, Hà Huy Tập bị bọn mật thám Pháp bắt và bị đẩy vào nhà giam, nhưng chỉ sau mấy tháng được thả ra do bọn mật thám không đủ bằng cứ để kết tội. Sau đó, đồng chí bị trục xuất khỏi Sài Gòn trở về Nghệ - Tĩnh. Tại đây, đồng chí luôn chịu sự kiểm soát, theo dõi gắt gao của bọn mật thám và quan lại của thực dân Pháp ở địa phương. Ngày 30/3/1940, chúng bắt Hà Huy Tập và đưa vào giam tại Khám Lớn, Sài Gòn. Ngày 22/10/1940, Tòa án thực dân tại Sài Gòn kết án Hà Huy Tập 5 năm tù, “tước quyền công dân và chính trị, 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ”.
Ngày 25/3/1941, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp mở phiên tòa án binh, đưa ra xử án hàng trăm người bị bắt, trong đó có Hà Huy Tập. Dù không dính líu đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng thực dân Pháp vẫn buộc Hà Huy Tập “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Chúng tuyên án tử hình Hà Huy Tập cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập và một số đồng chí khác ra xử bắn tại Sở Rác (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, Gia Định).
Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Đồng chí đi vào cõi vĩnh hằng một cách bình thản với lời hô vang “Cách mạng muôn năm!”. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung, cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Từ khi đồng chí Hà Huy Tập bước vào hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh diễn ra trong vòng 16 năm: từ nhà yêu nước trở thành nhà cách mạng, từ người cộng sản trở thành Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang, ông là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Lịch sử ghi nhớ đồng chí- một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một người lãnh đạo tận tụy, năng động, một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng những năm 30 của thế kỷ XX, người đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng cộng sản. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung, cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng sẽ luôn là niềm tự hào cho các thế hệ người Việt Nam.
*Các tên gọi: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập trải qua 15 năm, trong đó có gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ giữa năm 1936 đến tháng 3 năm 1938). Tên gọi khác: Hồng Thế Công, Trí Cường, Sinhichkin(Xinhitrơkin)
 - Khi vợ mang thai con gái Hà Huy Tập đã vào Nam hoạt động và dặn lại vợ đặt tên con gái  là Hồng. Hồng Thế Công là Hà Huy Tập  lấy tên con gái mình để làm bí danh đi hoạt động cách mạng. Cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương bằng tiếng Pháp, 291 trang, xuất bản đầu năm 1933 (lấy bút danh Hồng Thế Công (H-T-C)
- Ngày  19-7-1929, ông sang Liên Xô, học  trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Xinhitrơkin
Ngoài ra trong các bài viết và văn kiện Hà Huy Tập còn có các bút danh khác như Xinhikin,  Sinitchkin, Giodep Marat, Hồng Quy Vít và Nhỏ. Bài viết Trôtxkit và phản cách mạng  lấy bút danh Thanh Hương
- Tên Trí Cường hiện tại chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào ghi. Vì thời gian cần đưa đề cương gấp không thể để lâu nên các bạn tiếp tục tìm kiếm và hoàn thành bài viết.
Câu 3. Đồng chí hãy cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp gì để nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại” Là cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên đồng chí làm gì để thực hiện mục tiêu đó?
            Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứngphó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”.
Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương đồng chí Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung các quy hoạch đáp ứngyêu cầu phát triển bền vững. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển hệ thống đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Thứ hai, tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa và ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa - xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện cải cách tư pháp; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, tăng cường, đổi mới công tác chính trị tư tưởng; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Thứ tám, nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị; tập hợp, động viên, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ chín, đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Liên hệ trách nhiệm của bản thân, tùy vào vị trí và chức trách trong xã hội để xác định nhiệm vụ và hành động cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Tỉnh Đảng bộ XVIII...
Câu 4. Đồng chí hãy cho biết câu nói nổi tiếng của đồng chí Hà Huy Tập “ Nếu cò sống, tôi vẫn hoạt động cách mạng” xuất phát trong hoàn cảnh nào? Cảm nghĩ và hành động của đồng chí về câu nói đó?
Ngày 1-5-1938, ông bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Ông bị trục xuất khỏi Nam Kỳ và bị đưa về quê chịu quản thúc. Đến ngày 30-3-1940, ông bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Ngày 25-10 năm đó, ông bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam. Tại phiên tòa này, ông và nhiều đồng chí mình đã được một luật sư trẻ là Nguyễn Văn Huyền, người về sau này giữ chức Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, làm luật sư biện hộ.
Ngày 25-3-1941, chính quyền Pháp đổi bản án của ông thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. (cùng bị kết án tử hình với Hà Huy Tập còn có Nguyễn Văn CừVõ Văn TầnNguyễn Thị Minh Khai). Trước tòa, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác lại lời của trạng sư bào chữa, đồng chí đã khảng khái tuyên bố “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động cách mạng”.
Nêu cảm nghĩ và hành động cần đảm bảo tối thiểu các ý sau:
Cảm nghĩ:
        - Hành động anh dũng hi sinh với niềm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.
      - Khí phách anh hùng của người con Hà Tĩnh - hiên ngang, bất khuất, người chiến sĩ cộng sản kiên cường xả thân cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
     - Cảm nghĩ tự hào về người con ưu tú của nhân dân, của quê hương Hà Tĩnh.....
Hành động:
      - Noi gương và phát huy truyền thống tự hào của quê hương anh hùng trong sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
      -Tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân và dân tộc. Đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết.
     - Học tập, lao động, cống hiến và sẵn sàng  hi sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Hoa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 71 trong 23 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

VĂN BẢN MỚI

Số: Số 19/KH-CĐCS
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Tết Trung thu năm 2023)

Ngày BH: (22/09/2023)

Số: Quyết định phê duyệt danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023 của trường THPT Nghèn
Tên: (danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023)

Ngày BH: (19/06/2023)

Số: 1330/QĐ-UBND
Tên: (Phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10)

Ngày BH: (09/06/2023)

Số: 42/TB-SGDĐT
Tên: (Về việc thăm dò dư luận đối với các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" lần thứ 16 - Năm 2023)

Ngày BH: (09/01/2023)

Số: Số: 98/QĐ-THPTN
Tên: (Quy định học trực tuyến)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: Số: 97/KH-THPTN
Tên: (Kế hoạch dạy học trực tuyến - THPT Nghèn)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: SNV-CCVC
Tên: (V/v hướng dẫn một số nội dung về lấy ý kiến nhận xét, đánh giá để thực hiện việc khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư)

Ngày BH: (21/12/2020)

Số: 3313/BGDĐT-GDĐH
Tên: (Điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh)

Ngày BH: (28/08/2020)

Số: 61 /KH-THPTN
Tên: (Thực hiện công văn chỉ đạo Số: 611/SGDĐT-GDPT, ngày 16/4/2020 và các công văn hướng dẫn của Sở về việc dạy học qua Internet trong thời gian qua, Trường THPT nghèn xây dựng quy định về việc dạy học qua Internet trong thời gian tới như sau:)

Ngày BH: (18/04/2020)

Số: Số: 239-KH/TWĐTN-TNTH
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III, năm học 2019 - 2020)

Ngày BH: (18/10/2019)

Danh mục

Thư viện hình ảnh

  Hoạt động

-1 photos | 4214 view

  Giải trí

1 photos | 3917 view

  Kỷ yếu

0 photos | 2486 view

Thống kê

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 1652
  • Tháng hiện tại: 135236
  • Tổng lượt truy cập: 8128045

Hỗ trợ online

Võ Đức Ân
0964867606