Ngôn ngữ facebook có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, cần định hướng cho giới trẻ như thế nào trong sử dụng ngôn ngữ facebook để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là những suy nghĩ của chính các em về ngôn ngữ facebook
NHỮNG SẢN PHẨM XUẤT SẮC THAM GIA CUỘC THI “VIẾT LỜI BÌNH HAY CHO CÁC BỨC TRANH VỀ NGÔN NGỮ FACEBOOK VỚI TIẾNG VIỆT” Bài viết của Hoàng Thị Hà Trang, lớp 10A14

Trong cuộc sống ngày càng văn minh, ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhiều thành tựu to lớn được ra đời, làm cho cuộc sống của con người được nâng lên rõ nét. Ngành công nghệ thông tin hiện đại ra đời cũng kéo theo những mặt trái của nó. Internet là một trong những thành tựu to lớn của ngành công nghệ thông tin, nó đem lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống con người. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Với nền công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như ngày nay, các bạn trẻ đã làm gì để phát huy hay tận dụng những thành tựu ấy? Đấy là câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm. Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã dần đánh mất đi nét đẹp của văn hóa dân tộc, nhất là ngôn ngữ. Có thể nói, ngôn ngữ là dấu chỉ để ta nhận biết nhau, hiểu nhau, giúp ta đối thoại với nhau,... Tiếng Việt là thành tựu văn hóa to lớn của dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm, những nét văn hóa đó vẫn được cha ông gìn giữ và phát huy. Nhưng trong xã hội đang phát triển như hiện nay, nhiều thứ tiếng tràn vào, nhiều bạn trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước, đã dần làm cho nét đẹp ấy mờ đi. Điều đó được thể hiện rõ nét trên các trang mạng xã hội, đặt biệt là trên Facebook. Nhiều ngôn ngữ được giới trẻ sử dụng rất lạ lẫm. Giới trẻ hiện nay chỉ biết đua đòi, chạy theo thứ ngôn ngữ mới mà quên khám phá về sự giàu có của tiếng mẹ đẻ. Nhiều ngôn ngữ “lạ đời” được xuất hiện trên trang mạng Facebook, nhiều cách nói khó hiểu được phát ngôn từ giới trẻ. Vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt đang dần bị các bạn trẻ hủy hoại dần. Giới trẻ đã tự tay thêm vào từ điển tiếng Việt những ngôn ngữ khó hiểu, dị dạng. Cách làm đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiếng nói dân tộc. Vậy nên, là công dân của Việt Nam, là chủ nhân của đất nước, các bạn trẻ phải biết gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Biết đưa ngôn ngữ dân tộc hòa nhập với thế giới nhưng không hòa tan cốt lõi của nền văn hóa ấy. Hãy chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Bài viết của Nguyễn Thị Thùy, lớp 10A13

“Một dân tộc khi rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ được tiếng nói của mình, có nghĩa là họ vẫn nắm được chìa khóa của chốn lao tù”. Vâng! Đây là câu nói quen thuộc của thầy Ha-men nói với học sinh trong “Buổi học cuối cùng”. Câu nói đã đề cao vai trò của tiếng nói dân tộc. Cũng như những dân tộc khác, tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Qua bức tranh trên, ta có thể cảm nhận được bức trông điệp được gửi gắm qua từng nét vẽ. Tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc Việt. Nó không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Nó phản ánh cách tri giác và tư duy của dân tộc. Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ và mặt khác, trong một khả năng quan trọng, chính ngôn ngữ đã làm nên dân tộc. Qua hàng ngàn năm phát triển, tiếng Việt đã có một hệ thống từ vựng phong phú và hình thức diễn đạt uyển chuyển. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu trong giao tiếp của xã hội mà nó đã trở thành “linh hồn dân tộc”. Tiếng Việt giàu đẹp và trong sáng là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc. Tiếng Việt trở thành chìa khóa để giải phóng đất nước. Vậy nên, bất cứ người Việt Nam nào làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt nghĩa là đang khước từ niềm hi vọng bảo vệ và phát triển đất nước. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, hãy yêu tiếng Việt bằng cả trái tim của mình! Bài viết của Trần Thị Huyền Anh, lớp 10A14 
“Tiếng Việt là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ xưa đến nay nó là bằng chứng thép để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc. Nhưng giờ đây, sự trong sáng của tiếng Việt đang dần bị ảnh hưởng bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm của giới trẻ. Và bức tranh trên đây đã phản ánh rõ nét về điều đó. Như chúng ta đã thấy, đây chỉ là một bức tranh đơn giản, không cầu kì. Trong tranh nổi bật với dòng chữ “CHÍNH TẢ” và xen vào đó là hai đứa trẻ đang đùa nghịch trên chữ “TẢ” và phía dưới là hình ảnh bố mẹ đang vực dậy, giữ thăng bằng cho chữ “TẢ”. Hình ảnh rất đơn giản nhưng thông qua đó ta ngầm hiểu được hình ảnh hai đứa trẻ – tượng trưng cho giới trẻ và bố mẹ – tượng trưng cho thế hệ cha anh, những người đi trước và hai chữ “CHÍNH TẢ” là tượng trưng cho tiếng Việt. Bức tranh phản ánh một vấn đề đang được cả xã hội hiện nay quan tâm: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngày xưa, thế hệ cha anh đã ra sức xây dựng và gìn giữ cho tiếng Việt được trong sáng nhưng giờ đây, giới trẻ – những mầm non tương lai của đất nước, lại đang dần phá hủy những công sức của cha ông. Đặc biệt hiện nay, trên trang mạng xã hội Facebook, giới trẻ đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ rất mới, lạ như: vãi, wen (quên), cị (chị), j (gì),...; hay chêm vào ngôn ngữ giao tiếp tiếng Việt của mình những từ tiếng Anh khiến cho lời nói trở thành Việt không ra Việt, Anh không ra Anh. Những thứ ngôn ngữ đó đã khiến cho ông bà, bố mẹ, thầy cô không thể nào hiểu được. Chính giới trẻ hiện nay đang làm mất dần vẻ đẹp trong sáng vốn có của tiếng Việt – điều mà các thế hệ cha ông đã gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử. Và bức tranh cũng chính là lời kêu gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ ngày nay phải biết bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Bức tranh tuy rất đơn giản nhưng đã để lại cho người xem nhiều suy nghĩ và nhận thức sâu sắc”.
Ý kiến bạn đọc