Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi ra trường. Đối với tuổi đời của một người đó cũng là khoảng thời gian dài. Nhưng dù dài bao nhiêu nó cũng không đủ sức mạnh và sự tàn nhẫn để xóa đi những kí ức đẹp đẽ về thời áo trắng của chúng tôi.
Ngôi trường của chúng tôi ngày ấy còn sơ sài và thiếu thốn lắm. Một dãy nhà hai tầng đang xây dở còn ngổn ngang vôi vữa. Phía sau là dãy nhà cấp bốn đã cũ, ngói đã ngả màu, tường đã rạn nứt. Nhưng hình như nó biết chúng tôi khát chữ nên cố sức để phục vụ. Bàn ghế thô mộc, xộc xệch, có lẽ là kết quả của sự lôi kéo nghịch ngợm. Chiếc bảng gỗ xám xịt nên mỗi lần trực nhật chúng tôi phải mang theo nhọ nồi và thân chuối non để chùi (cũng may hồi ấy chưa có bếp ga...! ! !). Phía đông là sân thể dục nhỏ chỉ vừa đủ để chúng tôi học môn chạy ngắn, nhảy cao, nhảy xa. Nhưng không sao, chúng tôi có cách học khác. Chúng tôi có thể chơi đá kiện ở sân trường (hoặc trong lớp học), nhảy lò cò ở hành lang; kéo co, đuổi bắt ở bất kì chỗ nào. Chúng tôi đều coi đó là thể dục vì đều... rèn luyện sức khỏe. Và kết quả là bao giờ bắt đầu tiết học mới cũng là những gương mặt nhễ nhãi mồ hôi và những cái miệng thở dốc.
Bây giờ trở về trường cũ, chúng tôi không còn được gặp lại những gương mặt thầy cô quen thuộc ngày xưa nữa. Nhưng chắc rằng trong tâm thức của lũ học trò ngày ấy không ai quên được những người đã đồng hành cùng họ trong con đường tiến tới đỉnh Olimpia. Chúng tôi nhớ gương mặt hiền dịu, giọng nói nhẹ nhàng của cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy văn của chúng tôi, cô Thân Thị Hòa. Cô theo sát chúng tôi trong suốt ba năm học, động viên chúng tôi phấn đấu, nỗ lực. Thậm chí mỗi lần trò đi thi cô lại trở dậy sớm nấu cho chúng tôi nồi xôi đậu để được may mắn. Chúng tôi là lũ chậm hiểu nên mỗi khi đến giờ toán của thầy Đại là lo lắng. Thầy cười bảo: “Lo rứa có giỏi thêm được không?. Dốt thì lấy cần cù, chăm chỉ mà bù, trò giỏi cả rồi thì sinh ra thầy làm gì”. Chúng tôi thở phào, thầy không khó tính như chúng tôi tưởng. Và chúng tôi biết cố gắng hơn. Giờ Lý của thầy Kháng, giờ Hóa của thầy Dũng thì đơn giản , vì hai thầy rất hiền, lại tâm lý cho mấy đứa học văn dốt tự nhiên nên chúng tôi cũng thấy thoải mái. Giờ Sinh, cô Lâm đem đến cho lũ chúng tôi nhiều háo hức. Cô là giáo viên trẻ mới ra trường. Bài học lại toàn những vấn đề nhạy cảm. Lũ học trò vừa xấu hổ vừa thích thú, đôi lúc rúc rích cười dưới lớp khiến cô cũng ngại ngùng. Nhưng ra khỏi giờ học, cô lại giống như người chị vô cùng gần gũi, thân thiện. Thầy Quang vừa dạy vừa kể chuyện nên môn lịch sử khô cứng trở nên sinh động, dễ nhớ. Thầy Sơn có khiếu hài hước lại thích hát hò nên đứa nào cũng thích đến giờ Địa... Cứ thế, chúng tôi hồn nhiên học hành và trưởng thành từ sự tận tụy của các thầy cô giáo
Ngày ấy, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ khờ khạo và trong sáng. Lần đầu tiên bước vào ngôi trường là bước vào một thế giới khác. Chúng tôi lại đến từ những vùng quê khác nhau, tất cả đều dè dặt và ngại ngùng. Nhưng rồi cũng qua nhanh. Đùa vui, nghịch ngợm là cách làm quen tốt nhất mà. Cho nên giờ học vừa xong là lập tức lao ra sân như ong vỡ tổ để chọn lấy vị trí chơi đắc địa nhất. Cũng bởi thế nên phần hỏi thăm, thông báo, trêu đùa...đều phải tranh thủ trong giờ học. Và hình thức hay nhất là “thư máy bay”. Có khi giáo viên vừa ngoảnh lên bảng viết là lập tức bay vèo vèo. Tất nhiên cũng không ít lần gặp “sự cố”, bức thư bị nhầm địa chỉ tới tay...giáo viên. Tất nhiên là tuần đó lớp lãnh đủ. Sau đó khắc phục bằng những cách tinh vi hơn. Chúng tôi vẫn tự hào vì cách viết thư đó đã rèn luyện cho vài thành viên của lớp tôi trở thành nhà báo, luật sư...Trong vô vàn những kí ức tươi vui của tuổi học trò, có cả những kí ức đau lòng. Các bạn bè của tôi có nhiều người thành đạt, nhưng cũng đã có những người ... còn mãi với tuổi 17 thôi.
Tôi lại được trở về trường Nghèn thân thuộc. Hàng ngày được ngắm nhìn sự đổi thay kì diệu của trường. Nhưng không phải với tư cách của một người học trò xưa mà là một phần nhỏ của ngôi trường ấy. Bạn bè chúng tôi giờ mỗi người mỗi ngả. Tất cả có sự nghiệp riêng, gia đình riêng, cuộc sống riêng. Tất cả đều bận bịu với công cuộc mưu sinh đầy bon chen trong xã hội này. Nhưng tôi tin bạn bè tôi rất muốn trở lại trường xưa, nơi giữ lại dấu ấn đẹp nhất của thời cắp sách. Hẹn gặp nhau nhé dưới mái trường THPT Nghèn yêu dấu. Mái nhà xưa đang rộng cửa đón chờ. Hẹn nhé....một thời để nhớ !.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Cúc
Ý kiến bạn đọc