Hồi ức tản mạn về mái trường tôi yêu
(Viết nhân kỷ niêm 30 năm thành lập Trường THPT Nghèn 1988-2018)
Trần Đình Hưng (*)
Là cựu học sinh Trường THPT Nghèn, niên khóa 1994 - 1997 (do cô Đặng Thị Ánh Tuyết, hiện là PGS.TS, Phó Viện KHXH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm lớp 10,11 và thầy Nguyễn Xuân Anh, hiện là Hiệu Trưởng trường THPT Thành Sen, làm Chủ nhiệm lớp 12). Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi được tuyển thẳng công chức và nhận quyết định của Ngành Giáo dục tỉnh nhà về công tác tại Trường THPT Hương Khê II (nay là Trường THPT Hàm Nghi ở xã Phúc Đồng - Hương Khê). Kết thúc học kỳ 1, năm học 2002-2003, tôi may mắn được điều chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Nghèn - mái trường cũ thân yêu chứa chất bao kỷ niệm của tuổi hoa niên. Đến tháng 6/2014, tôi được chuyển vào thành phố Hà Tĩnh, công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho đến nay. Tính ra, tôi đã gắn bó và làm việc tại Trường THPT Nghèn tròn 11 năm 2 tháng. Với khoảng thời gian hơn chục năm của một đời người đâu có ngắn ngủi và lòng tôi mang nặng biết bao kỷ niệm thân thương về mái trường, về đồng nghiệp, về tập thể Tổ Văn nơi tôi sinh hoạt chuyên môn và trưởng thành! Nhớ về Trường Nghèn là tôi nhớ đến những gương mặt thân yêu từ các thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường (đó là thầy Thái Danh Phương, thầy Nguyễn Huy Lai, thầy Phạm Văn Linh, thầy Lê Sỹ Võ, thầy Phan Quyết Thắng…) đến các thầy, cô giáo bộ môn (Thầy Mai Quỳ, cô Thái Thị Hiền, cô Thân Thị Hòa..(môn Văn); thầy Bùi Anh, thầy Nguyễn Khế, thầy Trần Đình Thuận…(môn Toán), thầy Trần Văn Kháng, thầy Trần Văn Hải (Vật Lý); thầy thầy Đinh Hòe, thầy Nguyễn Hữu Dũng, cô Nguyễn Thị Minh, thầy Phan Xuân Diệu (môn Hóa), thầy Nguyễn Công Sâm (Sử), thầy Đỗ Xuân Mỹ (Tiếng Pháp), cô Nguyễn Thị Phương Nga (GDCD), cô Nguyễn Thị Lâm (môn Sinh) hiện là Phó Hiệu trưởng nhà trường và nhiều thầy cô và đồng nghiệp thân quen khác nữa... Mặc dù đến nay có nhiều thầy cô đã về nghỉ chế độ, có người đã chuyển công tác và có thầy đã trở thành người thiên cổ như thầy Trần Sỹ Tùng, thầy Đinh Hợi, thầy Phan Thìn, thầy Mai Đình Sơn, thầy Đặng Văn Nhì… Dẫu cuộc sống, thời gian có nhiều thay đổi, kẻ đi, người ở nhưng trong tâm trí tôi vẫn in đậm những ánh mắt, nụ cười, dáng điệu và những nghĩa cử chân tình của cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp năm xưa.
Ký ức vụn tuổi học trò…
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng tôi - những cô, cậu học trò vừa tốt nghiệp lớp 9 đến từ nhiều xã khác nhau trong huyện, như thị trấn Nghèn, Khánh Lộc, Vượng Lộc, Xuân Lộc, Phúc Lộc, Thiên Lộc, Tiến Lộc… chuẩn bị bước vào cấp học mới - THPT. Mùa hè năm 1994, chúng tôi đăng ký bồi dưỡng, ôn tập kiến thức 2 môn Văn và Toán để dự thi vào 10. Lớp chúng tôi do thầy Bùi Anh dạy ôn môn Toán, thầy Thái Danh Phương (Hiệu trưởng) trực tiếp ôn luyện môn Văn. Lần đầu tiên được các thầy ở trường Cấp 3 lên lớp, trong lòng chúng tôi dấy lên bao háo hức lạ thường. Cái phong độ, nhiệt tình và thông minh của thầy dạy Toán, nét phong cách uy nghi, uyên bác và hùng biện của thầy dạy Văn đã cuốn hút chúng tôi say sưa học tập và hi vọng một ngày không xa sẽ được vinh dự làm học trò chính thức của các thầy giáo ở đây. Trong hai môn ôn tập, riêng môn Văn dường như tôi đã nắm chắc những kiến thức do thầy truyền đạt ngay tại lớp. Điều thú vị là có những nhận định hay luận điểm thầy đưa ra tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ, trong đó có cách “Định nghĩa” về Văn học rất ngắn gọn mà dễ nhớ của thầy Thái Danh Phương: “Văn học loại hình nghệ thuật do con người sáng tạo nên để phản ánh đời sống xã hội thông qua hình tượng ngôn từ…”.
Quảng thời học là học sinh Trường TPHT Nghèn để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên. Đó là những giờ chào cờ đầu tuần nghe thầy giáo Hiệu trưởng nhận xét, đánh giá, biểu dương kể cả những phê bình, nhắc nhở… nội dung chỉ nhường ấy vấn đề, tuần nào cũng bấy nhiêu việc nhưng không tuần nào giống tuần nào. Những lời nói hùng biện của thầy hiệu trưởng như chạm, như khắc và đóng đinh vào trí nhớ học sinh. Thế hệ học sinh chúng tôi thời đó rất hào hứng khi tham gia giờ chào cờ đầu tuần và xem đây là một tiết học lí thú, bổ ích. Mỗi học sinh thời đó dường như có một tâm lí chung là cứ mong thời gian giờ chào cờ dài dài thêm để được nghe thầy Phương “chém gió”! Quả thật, những lời thầy “giảng” dưới cờ đầu cờ đầu tuần cứ in mãi trong tâm trí học trò và theo suốt cuộc đời mỗi chúng tôi.
Những năm tháng là học sinh dưới mái trường Nghèn cũng chính là thời kỳ nhà trường vừa củng cố, xây dựng cơ sở vật chất vừa tổ chức dạy và học, nhà trường trong điều kiện “giọng giảng bài xen lẫn tiếng búa đập, khoan reo”, “nửa công trường, nửa giảng đường xôn xao!”. Và mỗi học sinh chúng tôi mỗi tuần phải tham gia 1 buổi lao động, công việc chủ yếu là lên đồi Nghèn chở đất biên hòa về tôn cao nền sân trường… Thanh âm của những giờ lao động chở sỏi, đào ao, san đất, đắp nền, trồng cây trong không khí khẩn trương, rộn rã của học sinh các khối lớp năm nào như vẫn còn đâu đây!
Điều đặc biệt nhất đối với Trường Nghèn có lẽ là đơn vị duy nhất trong bậc THPT thời bấy giờ trên địa bàn tỉnh đồng thời dạy 2 ngoại ngữ là Tiếng Pháp và Tiếng Anh. Và xung quanh 2 môn học này có giai thoại cười ra nước mắt, đó là đến mùa thi Tốt nghiệp lớp 12, có những học sinh khi thi môn ngoại ngữ, nhận được bài ngoài vào. Thế rồi các sĩ tử cặm cụi, chí thú, chộp được bài làm Tiếng Anh cũng ghi mà Tiếng Pháp cũng chép!.
Một chi tiết đáng nhớ nữa là, thời đó, khi các lớp 12 tổ chức làm lễ ra trường đều tổ chức cùng một ngày và được phép liên hoan tiệc mặn ngay tại phòng học của mỗi lớp. Với cách tổ chức như vậy nên các thầy cô đều có thể đến chung vui được với tất cả các lớp. Và ngày đó, hai thầy giáo đồng thời là hai “nhiếp ảnh gia” của nhà trường là thầy Phan Đăng Quang (GV Sử), thầy Nguyễn Xuân Anh (GV Văn) tha hồ bấm máy, giúp học sinh lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Có thể nói buổi liên hoan ra trường là khoảnh khắc dồn nén nhiều cảm xúc đặc biệt nhất của tuổi học trò. Những khóa học sau này, vì nhiều lí do khác nhau, học sinh không được tổ chức liên hoan trong trường nữa.
Và những câu chuyện mười năm…
(1) Có thể nói, với tôi, Trường Nghèn như một đặc ân và nét duyên thầm… Năm 2001, khi đang học năm cuối Trường Đại học Vinh, với tình cảm chân thành, cảm xúc mãnh liệt của một học sinh cũ, tôi đã viết ca khúc “Hát về Trường Nghèn” như một nốt nhạc lòng hướng về mái trường sau mấy năm chia xa. Vào dịp cuối học kỳ 1 năm học 2001-2002, tôi được nhà trường mời về tập bài hát này cho một số học sinh trong đội văn nghệ Đoàn Trường (tham gia buổi tập với sự có mặt của thầy Ngô Đức Chính - Cố vấn Đoàn Trường và cô Lê Thanh Hằng giáo viên Văn). Đây là lần đầu tiên kể từ khi tốt nghiệp Tú tài ra trường, có dịp trở lại trường cũ trong niềm xúc động, bồi hồi khó tả. Để rồi hơn một năm sau đó, tôi trở thành giáo viên chính thức của Nhà trường trong niềm vui của bản thân, niềm phấn khởi tự hào của gia đình. Được về công tác ở một trường Cấp 3 đóng ở trung tâm huyện lỵ ai mà không vui mừng và tự hào sao được?
(2) Niềm vinh dự, tự hào bao nhiêu, tôi lại thấy trách nhiệm càng lớn lao bấy nhiêu. Bỡi thế, bản thân tôi đã cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của một giáo viên. Trong suốt thời gian ở Trường Nghèn, được sống trong tình thương yêu, giúp đỡ của các thầy lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo cũ, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và cả sự ái mộ của các em học sinh, tôi đã từng bước trưởng thành. Khoảng thời gian làm anh giáo trường huyện là thời kỳ khởi nghiệp quan trọng nhất của tôi. Chính từ mái trường này, tôi đã phấn đấu trở thành giáo viên giỏi tỉnh, được công nhận danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở; được lãnh đạo nhà trường tin tưởng cử làm Thư ký Hội đồng khi mới ra trường đi dạy hơn 3 năm (và qua dưới 4 thời Hiệu trưởng, từ thầy Phương, thầy Lai, thầy Linh, thầy Sơn), đồng nghiệp, đồng chí tín nhiệm cử làm Tổ trưởng chuyên môn; được đi học Cao học. Cũng từ tổ ấm này, tôi đã xây cho mình một tổ ấm riêng trên cơ sở mối tình đồng nghiệp.
(3) Có ai đó nói rằng nghề giáo là một nghề khổ hạnh! Có lẽ đúng, vì rằng đây là một nghề mang tính đặc thù rất cao và liên quan đến toàn xã hội. Một khi đã chọn nó rồi thì người giáo viên phải chấp nhận đồng hành với những lao tâm, khổ tứ; sống với từng con chữ, trang sách, miệt mài với bài vở; trăn trở, suy tư với từng trang giáo án cho những giờ lên lớp. Và kể cả những áp lực từ trong nghề nghiệp và ngoài xã hội dội vào. Theo đó, nghề giáo có những hy sinh, cống hiến thầm lặng để rồi những nỗ lực của họ không ngoài mục đích mang đến cho lớp lớp bao thế hệ học trò “ánh trí tuệ, phù sa tâm hồn”. Sự khôn lớn, trưởng thành, nên người, nên nghiệp của học trò là vinh quang của nghề giáo… Đó phải chăng là những hạnh phúc lớn lao của những người “lái đò ngang đưa khách sang sông”?. Từ những năm tháng ở trường Nghèn, bây giờ chia xa tôi lại càng thấm thía hơn vể chân lí ấy.
(4) Niềm vui và nỗi nhọc nhằn thuở còn công tác ở trường, từ những công việc chuyên môn hằng ngày như soạn bài, lên lớp, dự giờ thao giảng, sinh hoạt tổ nhóm, chấm thi ở trường, ở Sở… rồi những lần được được làm MC trong các ngày lễ Khai giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng kết năm học đến những câu chuyện vui tươi sau giờ lên lớp. Vui nhất là những lần tham gia tổ chức các buổi ngoại khóa Văn học thành công đã để lại ấn tượng khó phai mờ. Những Câu lạc bộ Văn học dân gian, CLB về thơ Xuân Diệu, Tố Hữu, về vẽ đẹp hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thơ ca… đã góp phần làm cho môn học nghệ thuật duy nhất trong nhà trường phổ thông trở nên gần gũi hơn đối với học sinh. Và đã có không ít em học sinh từ những giờ ngoại khóa đã thay đổi nhận thức và hồi tâm chuyển ý, đem lòng yêu môn học Ngữ Văn nhiều hơn. Một điều đáng phấn khởi là, sinh hoạt ngoại khóa hầu hết ở các môn học giờ đây đã trở thành một hoạt động thường kỳ, thường niên của thầy và trò trường Nghèn. Qua đó, đã tạo sân chơi bổ ích, lý thú; rèn luyện kỹ năng và sự trải nghiệm sáng tạo cho học sinh rất tốt.
Còn nhớ, thời tôi mới về trường, trong tỉnh đang rộ lên phong trào xây dựng trường chuẩn Quốc gia và Trường TPHP Nghèn thuộc số những đơn vị nằm trong lộ trình phấn đấu. Nhiều cuộc họp Chi bộ, họp Hội đồng, câu chuyện xây dựng trường chuẩn được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, mặc dù có thừa quyết tâm, nhưng thiếu điều kiện và vì những lí do khác nữa mà câu chuyện xây dựng Trường chuẩn Quốc gia bị chững lại. Đến năm học 2006-2007, thầy giáo Phạm Văn Linh (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) được Ngành điều động về làm Hiệu trưởng nhà trường, tiếp sau đó thầy giáo, Thạc sỹ Lê Sỹ Võ, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đổng Chi về làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Với một giàn lãnh đạo nhà trường mạnh tốp đầu của tỉnh, và sự yêu cầu của thực tiễn, câu chuyện xây dựng trường chuẩn lại được hâm nóng, chuyển động không ngừng. Nhà trường xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và huy động cả hệ thống, dồn mọi nguồn lực để thực hiện bằng được mục tiêu cao cả này. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi, với quyết tâm chính trị rất cao của cả tập thể nhà trường. Những hoa trái đầu mùa của nhà trường trong giai đoạn mới đã bắt đầu mang tín hiệu vui về. Năm học 2006 - 2007, Trường THPT Nghèn đã lấy lại danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, năm học 2007-2008, đạt chuẩn quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong niềm tự hào, phấn khởi của tập thể thầy cô giáo và học sinh. Cảm kích trước những đóng góp của nhà giáo Ưu tú, thầy giáo Phạm Văn Linh, năm 2017, tôi đã viết bài báo nhỏ về thầy với nhan đề “Thầy giáo có công xây dựng 2 trường chuẩn Quốc gia” đăng trên Tạp chí Thông tin tư tưởng, Báo Công Luận, Báo Infonet điện tử.
Ở Trường Nghèn, có một công việc nho nhỏ mà tôi rất thích đó là cứ mỗi khi đến dịp Khai giảng năm học mới, Ngày lễ 20/11 hay Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2 gắn với Tết cổ truyền dân tộc, tôi lại được phân công phụ trách khâu biên tập nội dung báo tường (trình bày trực tiếp lên bảng xi măng ngay gần cổng trường). Với sự cộng tác đắc lực của bác Nguyễn Văn Đoài bảo vệ nhà trường, thầy Nguyễn Công Sâm, có khi là những em học sinh có nét chữ hoa tay… đã làm cho báo tường trở nên bắt mắt và thu hút người xem. Đáng chú ý nhất là số Tết, ở đó có những bài xã luận nho nhỏ kết hợp với trang thơ, câu đối… đã góp thêm dư vị cho không khí Tết cổ ở trường. Giờ đây, với sự ưu trội của các kênh gnhe, nhìn và sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội, do đó hình thức thức báo tường không mấy phù hợp. Nhưng hồi đó, hình thức tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của nhà trường qua báo bảng hay bích họa cũng có tác dụng đáng kể, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh.
Khúc vĩ thanh…
Thời gian gần đây, có những dịp trở lại trường, được gặp lại thầy cô giáo cũ, đồng nghiệp, đồng chí thân yêu; được chứng kiến sự chuyển mình tích cực, toàn diện của Nhà trường. Tất cả từ lãnh đạo đến tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường đều thực hiện một mục tiêu vì sự phát triển, đi lên của Nhà trường, đều chung một ý chí và hành động “hát chung một giai điệu chính” để hướng về tương lai và sự phát triển bền vững. Tôi được biết, những ngày tháng này, ở trường Nghèn, thầy và trò nhà trường đang vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa khẩn trương, tích cực có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập trường (1988-2018). Tôi cũng như nhiều học sinh cũ, giáo viên đã chuyển công tác đang rất trông chờ ngày hạnh ngộ của tình thầy trò đồng nghiệp, để được trở về Trường vào dịp đặc biệt này.
*
* *
Tôi không có những cống hiến đột xuất và lâu dài cho Trường THPT Nghèn song cũng có thể tự hào đã đưa hết nhiệt huyết và trí tuệ của những năm tháng trai trẻ sung sức nhất đóng góp một phần nhỏ bé trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường giai đoạn 2003-2014. Mặt khác tôi cũng luôn tâm niệm rằng, mọi tố chất, năng lực mà tôi hiện có đều được phát lộ, bồi lắng và phát triển nhanh chóng trong những năm tháng công tác ở mái trường THPT Nghèn thân yêu. Đó cũng là một trong những động lực to lớn thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng ở môi trường công tác mới để xứng đáng hơn với mái trường, nơi tôi được học tập và trưởng thành./.
T.Đ.H
(*) Nguyên học sinh khóa 1994-1997; nguyên TKHĐ, Tổ trưởng CM Văn, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tác giả bài viết: Trần Đình Hưng
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptnghen.edu.vn là vi phạm bản quyền
tản mạn, thành lập, học sinh, niên khóa, học viện, trị quốc, chí minh, làm chủ, hiệu trưởng, tốt nghiệp, đại học, quyết định, giáo dục, công tác, kết thúc, học kỳ, năm học, may mắn, giảng dạy, kỷ niệm, thành phố
Ý kiến bạn đọc