Đất khách mười mùa sương Về thăm quê ngoảnh lại Ê – đô là cố hương (Ba-sô) Không hoàn toàn giống như cảm xúc của nhà thơ Ba-sô nhưng mỗi khi đọc những dòng thơ này, tôi lại nhìn thấy cảm xúc của mình ở trong đó. Mười năm chưa phải là dài so với một đời người nhưng là khoảng thời gian đủ để người ta hiểu sâu sắc về con người, về nơi mà mình từng gắn bó. Hơn mười năm được chung sống cùng với anh chị em nội trú, được cùng chia ngọt sẻ bùi với mọi người là khoảng thời gian rất đáng nhớ đối với bản thân tôi. Chính trong môi trường sống này, tôi đã trưởng thành về nhiều mặt, tự thấy mình được lớn hơn trong suy nghĩ, giàu hơn về cảm xúc và phong phú hơn về đời sống tinh thần.
Nội trú – nơi tôi cùng chia sẻ những khó khăn với mọi người trong cuộc sống Nội trú hiện nay khang trang hơn nhiều so với trước thế nhưng vẫn là chật chội cho một gia đình có bốn người sinh sống. Chúng tôi sống quen nên cảm thấy rất đỗi bình thường nhưng với những ai đã có nhà riêng sẽ cảm thấy bức bí vô cùng, nhất là vào những ngày hè nóng nực. Vẻn vẹn chưa đầy 30m2 thế mà chúng tôi vẫn thiết kế được ba phòng hẳn hoi: phòng ngoài, phòng trong và phòng bếp. Anh chị em nội trú chúng tôi thường hài hước nói với nhau:
“Cũng sướng chán! Nhà ba tầng đấy còn gì! Mỗi tội là nó đặt ngang thôi!”. Các thành viên trong mỗi gia đình nhỏ ngày càng tăng lên và theo đó đồ dùng trong nhà cũng được bổ sung thêm nên căn phòng vốn đã chật nay lại càng chật hơn. Cha ông ta thường nói:
“Cái khó ló cái khôn”. Quả đúng như vậy! Sống trong một không gian chật chội, chúng tôi đã trở thành những “kiến trúc sư nội thất bất đắc dĩ” để có thể sắp xếp không gian sống của mình rộng rãi nhất có thể. Và đương nhiên, “nghệ thuật sắp đặt” cho không gian sống này là sáng tạo của “trí tuệ tập thể”, nhờ vào sự đóng góp ý kiến của các “chuyên gia” mà mỗi căn nhà nhỏ ngày càng trở nên gọn gàng ngăn nắp hơn đủ để chúng tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Cái lo lắng của anh chị em trong ngôi nhà chung không phải là không gian sống chật chội, cũng không phải là cái nắng như đổ lửa của mảnh đất miền Trung mà sự lo lắng của chúng tôi khi mùa mưa lũ về. Sống ở nơi mà năm nào cũng phải chạy lũ nên tất cả chúng tôi đều sợ mỗi độ tháng tám về. Và cũng chính từ hoàn cảnh này mà chúng tôi có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ cùng nhau. Mỗi lần nước bắt đầu ngấp nghé mép thềm, khung cảnh nội trú chúng tôi lúc bấy giờ như một công trường. Điện đỏ trong ngoài sáng trưng, tiếng í ới gọi nhau dọn đồ, mọi người ngược xuôi vác thang, khiêng bàn, trong khi các ông bố có nhiệm vụ kê đồ đạc trong nhà lên đến mức cao nhất có thể thì chị em phụ nữ chúng tôi lại phải chuẩn bị lương thực thực phẩm cho những ngày tiếp theo. Sau khi đồ đạc sắp xếp xong xuôi, mực nước tiếp tục lên, chúng tôi lên kế hoạch di tản trẻ em và phụ nữ ra khỏi vùng lũ. Đã không ít lần, anh chị em chúng tôi đã phải ăn cơm đứng trong nước lũ. Cái cảnh mà sau này chúng tôi thường hay gọi là “tiệc đứng dưới nước”! Đấy là những kỉ niệm chẳng thể nào quên đối với mỗi chúng tôi! Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã vượt qua tất cả trong tình đoàn kết gắn bó, trong sự yêu thương đùm bọc và sẻ chia.
Nội trú – nơi tôi học về cách sống Từ nhiều vùng quê khác nhau, chúng tôi, gần ba chục con người gắn bó với nhau dưới ngôi nhà chung mang tên NỘI TRÚ. Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh gia đình riêng nhưng chúng tôi đến với nơi này từ khi còn rất trẻ. Cũng vì hoàn cảnh xa nhà mà gần như tất cả mọi người, sau khi tốt nghiệp đại học là gắn bó với nơi đây. Tôi đến với ngôi nhà chung này khi có nhiều anh chị đã gắn bó nhiều năm với nó. Ra trường, đi dạy rồi lấy chồng, tuổi đời không phải ít nhưng quả thật bản thân tôi còn ngờ nghệch và thiếu nhiều về kinh nghiệm sống. Nhưng thật may mắn, nhờ được sống với những người anh, người chị vừa đảm đang, tháo vát trong công việc gia đình vừa sống trọn nghĩa vẹn tình với những người xung quanh mà bản thân tôi được trưởng thành hơn rất nhiều. Sống trong môi trường tập thể, tôi đã học được cách sống cho mình và cho mọi người xung quanh một cách hài hòa. Vì thế, ngôi nhà chung của chúng tôi luôn tạo được mối đoàn kết, gắn bó như một gia đình lớn.
Và rồi dân số của ngôi nhà chung ngày càng tăng lên, những đứa trẻ cứ lớn dần lên theo năm tháng với đủ các lứa tuổi. Đứa mới oa oa chào đời, đứa bắt đầu tập bò tập đi, đứa lên ba bi bô tập nói, đứa ngâm nga chữ cái i tờ,… Ngôi nhà chung của chúng tôi có lúc như một ngôi trường mẫu giáo thu nhỏ. Đã có những lúc, các bà mẹ bỉm sữa tính lập lớp mầm non tổng hợp (đủ các lứa tuổi học chung một lớp) rồi thay ca nhau vừa đi dạy vừa trông trẻ! Tôi đến với ngôi nhà chung khi nhiều gia đình nhỏ đã có một con, cũng có những gia đình hoàn thành chỉ tiêu “dừng lại hai con để nuôi dạy cho tốt”. Tôi – một trong số những người sinh con muộn nên được thừa hưởng kho kinh nghiệm quý giá về chăm sóc và nuôi dạy con cái từ những gia đình đi trước. Cái lóng ngóng khi lần đầu tiên bồng và tắm cho con, sự hốt hoảng khi con lên cơn sốt giữa đêm hay những lo lắng khi con bỏ bú biếng ăn,… sớm được thay bằng cái chắc chắn, sự bình tĩnh và khéo léo là nhờ vào kinh nghiệm và sự tận tình chỉ bảo của những người chị đi trước. Một người mẹ như tôi trở nên tự tin hơn trong nuôi dạy con cái cũng là nhờ vào khoảng thời gian được sống trong ngôi nhà nội trú.
Ngôi nhà chung hội tụ những người con từ nhiều vùng đất khác nhau ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về đây sinh sống. Mỗi người một tính cách, giọng nói và lối sinh hoạt khác nhau. Đặc biệt, mỗi người mang đến những cách chế biến món ăn rất riêng được xem như là đặc sản của mỗi vùng quê. Có những món ăn như: nộm cộc chuối (củ chuối) Cẩm Hà, nước mắm cáy Trung Lương, nhút Thanh Chương, canh lá lằng nấu với cà chua hoặc cá trích Diễn Châu, thịt gà om mùng Anh Sơn, dò bột Yên Lộc, v.v… mà nếu không được sống chung có lẽ chẳng bao giờ tôi được thưởng thức. Nhiều người đọc bài viết sẽ cho rằng: những món này ở đâu mà chẳng có! Đúng! Nhiều vùng quê trên mảnh đất miền Trung khô cằn sỏi đá đều có, thế nhưng các món ăn trên có hương vị rất riêng, rất lạ khiến con người ta chỉ một lần ăn thôi là nhớ mãi! Và đâu chỉ là thưởng thức, chị em nội trú chúng tôi còn tìm hiểu công thức để chế biến vào những dịp thật đặc biệt. Rồi món nào không tự làm được, chị em lại gửi mua cất để dùng dần. Tôi là người không mấy đảm đang trong công việc bếp núc, các bữa ăn cũng chỉ lặp đi lặp lại những món ăn quen thuộc. Cũng nhờ vào sống chung mà “tay nghề” nấu ăn của tôi dần được nâng lên, thực đơn của các bữa ăn ngày càng phong phú hơn. Từ việc sợ đi chợ nấu ăn, tôi dần yêu thích và chế biến được nhiều món ăn hợp khẩu vị cho gia đình nhỏ của mình. Đó là những bài học mà không phải ở môi trường nào con người ta cũng có được.
Nội trú – nơi tôi luôn được sống trong niềm vui và hạnh phúc Vì hoàn cảnh làm việc xa nhà hay vì chưa có điều kiện xây cho mình một ngôi nhà riêng để ở mà anh chị em chúng tôi đến với nhau tại ngôi nhà nội trú. Sẽ không thật lòng mình nếu như không nói lên một sự thật rằng chúng tôi đôi lúc cũng thấy chạnh lòng, thậm chí là mặc cảm khi phải sống cuộc sống tạm bợ ở nơi đây. Nhiều người trong chúng tôi đã từng mơ ước và khát khao cháy bỏng về một căn nhà nhỏ cho riêng mình, để nơi đó con cái có không gian riêng để vui chơi và học tập! Thế nhưng trạng thái cảm xúc đó cũng chỉ là thoáng qua mà thôi. Chính ở trong môi trường này, chúng tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui trong cuộc sống – điều mà chắc có lẽ nếu sống ở ngoài khó có thể cảm nhận được.
Vui nhất là phải kể đến lũ trẻ con. Tiệc sinh nhật là sự kiện ý nghĩa và đáng nhớ nhất của bọn chúng. Nếu trong ngày có sinh nhật của bạn nào trong nội trú thì ngay từ chiều hôm đó lũ trẻ con đã rộn ràng kéo nhau đi mời từng phòng rồi! Tiệc sinh nhật cũng chỉ là cụm từ để gọi cho sang thôi nhưng thực ra các mẹ chỉ chuẩn bị một số thứ đơn giản như bánh gato, trái cây và một số bánh kẹo – loại mà trẻ con thích nhất. Háo hức chờ đợi cả ngày nhưng khi bữa tiệc mới chỉ diễn ra được năm phút thì bọn trẻ con đã giải tán hết chỉ còn lại mỗi người lớn. Và cũng từ đây, những chuyện “trên trời dưới đất” được kéo dài cho đến tận đêm khuya cùng với những trận cười không ngớt.
Rồi nữa, mỗi năm cũng có đến vài ba lần nhân dịp ngày lễ, anh chị em chúng tôi lại tổ chức những buổi liên hoan vui vẻ. Có những thời điểm rảnh rang thì buổi liên hoan đó do chúng tôi “tự biên tự diễn” nhưng vào những lúc công việc nhiều, cả gia đình lớn chúng tôi lại kéo nhau ra quán. Đơn giản, gọn nhẹ nhưng vui vẻ và ấm áp vô cùng. Những lúc như thế này, chúng tôi đâu có ai nghĩ đến chuyện chuyển ra ngoài sinh sống! Có người còn bộc bạch:
“Em chẳng muốn ra ngoài đâu! Đã quen sống ở đây rồi, giờ ra ngoài thì buồn lắm!”. Và đó không phải là suy nghĩ của riêng một người!
Những năm có World cup hay Euro, mặc dù vào dịp hè nhưng các thành viên của nội trú vẫn rất đầy đủ. Không khí xem bóng đá nơi đây cũng rất cuồng nhiệt, đâu chỉ có đấng mày râu mà chị em phụ nữ chúng tôi cũng thức trắng đêm để theo dõi những trận cầu nảy lửa. Các trận đấu thường diễn ra vào đêm khuya hoặc rạng sáng theo giờ Việt Nam nhưng công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ trước đó. Lương thực thực phẩm đã chuẩn bị sẵn sàng, tivi lớn đã được mang ra ngoài sân, bàn ghế, chiếu chỏng cũng được huy động tối đa. Rồi những tiếng hò reo như “rung bàn chuyển ghế” cũng xuất hiện mỗi khi có pha bóng gay cấn hay bàn thắng được ghi và cũng kèm theo đó là những tiếng khóc đồng loạt của bọn trẻ con khi bị đánh thức bởi âm thanh lạ!
Nhiều cảm xúc nhất vẫn là những lúc anh chị em nội trú chúng tôi chia tay những người rời xa ngôi nhà chung để về với không gian sống hay môi trường làm việc mới. Những lúc như thế, tâm trạng buồn vui lẫn lộn đều xuất hiện trong mỗi chúng tôi. Vui vì mừng cho họ đã đạt được ước nguyện nhưng lại cảm thấy hụt hẫng khi thiếu vắng một người mà mình từng gắn bó. Những tâm trạng đó cũng chứng tỏ một điều rằng chúng tôi đã gắn kết với nhau bằng trái tim rất chân thật!
Cuộc sống nội trú tuy còn có nhiều khó khăn nhưng điều đọng lại trong tôi không phải là những ngày tháng thiếu thốn, vất vả mà là những niềm vui, niềm hạnh phúc, những kỉ niệm đẹp về tình bạn, tình anh em và tình đồng nghiệp. Sẽ nhớ lắm nơi tôi đã gắn bó hơn mười năm trời, nơi tôi đã từng gọi là nhà với tất cả tình thương mến! Và hơn bao giờ hết, ngay lúc này đây, tôi thấm thía vô cùng về ý nghĩa hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ởKhi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (
Tiếng hát con tàu)
Ý kiến bạn đọc