Một năm có bốn mùa, mỗi mùa có những hương vị, những cung bậc cảm xúc và mỗi người chúng ta đều có những ước ao, những niềm mong đợi riêng. Mỗi ước mơ, hi vọng sẽ là động lực cho mỗi cá nhân chúng ta cùng nỗ lực, cố gắng, vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt đến ước nguyện của mình. Bước vào lứa tuổi trưởng thành, trước rất nhiều những câu hỏi của cuộc sống mà mỗi chúng ta phải trả lời thì câu hỏi: Chúng ta lựa chọn ngành nghề gì? Ước muốn trở thành người như thế nào luôn là câu hỏi khó khăn nhất mà mỗi cá nhân chúng ta phải giải đáp. Ai cũng phải lựa chọn cho mình một nghề để sống và để yêu. Cá nhân tôi cũng vậy! Khi bước vào đời, tôi đã chọn cho mình một nghề đặc biệt – nghề dạy học
Trang giáo án gương mặt học trò tôi
Tuổi hồn nhiên bao mộng mơ khao khát
Có ước mơ giản đơn như hạt cát
Có khát khao xa ngát phía chân trời.
Với tôi, nghề dạy học không chỉ là “đất sống” mà còn là niềm nước mơ, niềm khát vọng và đam mê. Bởi tôi chẳng có triết lí gì cao siêu mà đơn giản là tôi yêu nghề dạy học. Tôi yêu hết thảy những con người, những gì liên quan đến nghề nghiệp. Đó là trường lớp, đồng nghiệp và những cô cậu học trò…

Giữa dòng đời tất bật, mấy ai được sống mãi với những kỷ niệm tuổi thơ, những năm tháng miệt mài trên ghế nhà trường. Nhưng với tôi và bao đồng nghiệp khác luôn được khơi dậy những ký ức của tuổi thơ. Vẫn biết bất cứ nghề nào cũng cao quý, nhưng không đồng nghĩa là đều cho ta cái cảm giác đẹp đẽ, gần gũi với thời đẹp nhất. Với nghề dạy học, ta được làm việc trong môi trường lành mạnh, với những con người trong sáng. Trang giáo án ngày nay cũng giống bài học thuộc lòng của ta thuở nhỏ. Nét đăm chiêu, trăn trở của người thầy, người cô bây giờ có khác gì những suy tư, day dứt của người học trò năm xưa. Ta lại tìm thấy ta trong hình ảnh sân trường, ghế đá, hàng cây… Những kỷ niệm buồn vui của ngày xưa ấy cứ lần lượt hiện về. Đôi lúc ta bực mình trước những cô cậu học trò khó bảo, ta lại chợt nhớ về mình với tính cách hiếu động thủa xưa. Ta vui với những thành công nho nhỏ trong nghề, như giáo dục được một học trò cá biệt, hay tự hài lòng với một tiết dạy tốt…, hình như nó cũng giống như niềm vui khi ta được điểm mười thuở còn cắp sách đến trường…
Tôi yêu cái nghề dạy học là thế. Song đó không chỉ vì quá khứ ngọt ngào của tuổi thơ được đánh thức mà còn vì cái “thiên chức” cao quý được xã hội tin tưởng, tôn vinh. Nghề được ví như những “kỹ sư tâm hồn” - nghề luôn được xã hội gửi gắm cả thế hệ tương lai. Người thầy, người cô là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang trên vai mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức… cho các thế hệ mai sau. Dẫu có trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử thì truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc vẫn luôn được gìn giữ, nâng niu, từ những câu danh ngôn như “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay như câu lục bát “ Cơm cha áo mẹ chữ Thầy/ Từ câu lục bát ru ngày hát đêm”. Tất cả đã làm nghề giáo trở thành “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Lựa chọn mái trường Đại học Vinh – Trường Đại học trọng điểm quốc gia, một trong những cái nôi đào tạo giáo viên sư phạm cho cả nước từ những ngày chống Mỹ, tôi đã tự tin bước những bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ của mình. Theo đuổi nghề giáo, ta phải chấp nhận cuộc sống với rất nhiều trăn trở, suy tư, nhiều khó khăn, vất vả. Nhà giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho các em học sinh mà còn dạy các em những giá trị làm người. Bằng cái tài và cái tâm, người giáo viên đã tạo ra những con người không chỉ có tri thức, hiểu biết, mà còn có một trái tim rộng lớn, bao la. Để có được điều đó, thầy phải yêu trò như con mình, hiểu các em đang nghĩ gì, đang vui gì và đang mơ ước những gì... Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, người thầy cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ không ngoan. Nghề dạy học nhiều khi dạy những điều chưa có trong sách vở hay giáo án. Người học trò bao giờ cũng kính trọng thầy, bởi vì trong tiềm thức họ những người thầy là những người khai tâm, khai trí, là những người đã thức tỉnh và hình thành nhân cách cho mình. Khó khăn là thế, nhưng đổi lại, ta có được một cuộc sống lành mạnh, trong sáng, được nhiều nhiều người biết đến và yêu quý. Đó là điều mà biết bao nhiêu người khao khát. Bước lên bục giảng, trước ánh mắt của học trò, người giáo viên quên đi nỗi niềm riêng, không cho phép mình u sầu hay bất mãn, quên đi những “tham- sân – si” của cuộc sống đời thường, những lo lắng của riêng mình để có thể hòa mình vào bài giảng vào những kiến thức, những giá trị lịch sử của cha ông để lại. Sự ngây thơ, tín cẩn của của các em có thể giúp ta giữ được hình ảnh người giáo viên trước sự cám dỗ của cuộc sống đời thường. Tròn 10 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với mái trường THPT Nghèn, với biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, cả một quãng đời thanh xuân sống với ước mơ của tuổi trẻ về nghề dạy học, nhiều kỷ niệm vui buồn đều đã có, có những lúc ngậm ngùi xúc động trước lời tâm sự của học sinh có hoàn cảnh éo le, có những lúc ta lặng mình về những chia sẽ của học sinh, có những lúc thấy mình như một người mẹ, có những lúc ta thấy mình như một người bạn của các em, có những lúc vui với thành công của các em và cũng có những lúc buồn vì các em….. Tất cả điều đó luôn đem đến cho tôi nhiều thú vị và cảm thấy cuộc sống đáng yêu biết chừng nào. Chính tình yêu nghề, yêu trò đã thôi thúc tôi phải cố gắng, phải sống chuẩn mực, bao dung, tế nhị, luôn nâng cao nghiệp vụ và tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập…
Những người không trồng hoa trên đất
Nhưng ươm cho đời ngàn vạn đóa hoa tươi
Nghề lấy niềm vui là lúc học trò cười
Và hạnh phúc khi thấy trò khôn lớn.
Qua bao lận đận của cuộc mưu sinh, những thăng trầm của xã hội, đất nước bước vào quá trình đổi mới, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, tác động của cơ chế thị trường đã làm nhiều mối quan hệ thay đổi, giá trị của đồng tiền, của cuộc sống vật chất, những ham muốn tầm thường đã làm đâu đó hình ảnh của nghề giáo xấu đi trong con mắt của mọi người. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, là một bộ phận nhỏ trong đội ngũ nhà giáo, còn đại đa số nhà giáo như chúng tôi vẫn luôn tâm niệm với nghề dạy học, vẫn luôn nhớ nghề giáo là nghề lấy nhân cách để giáo dục nhân cách, lấy con người để sáng tạo con người, nhiều tấm gương các nhà giáo vượt núi băng rừng, bám trú với những miền khó khăn của Tổ quốc, trong những điều kiện thiếu thốn để đưa cái chữ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, biết bao giáo viên vẫn đêm ngày đến từng bản làng, từng gia đình để vận động học sinh đi học, biết bao con người đã phải hi sinh những mong ước cho bản thân để đưa cái chữ đến với nhiều người, họ vẫn mang trong mình một trái tim tha thiết yêu nghề, biết đập với nhịp đập khát khao tri thức của tuổi trẻ. Xã hội dẫu có đổi thay, vạn sự dẫu có thể biến đổi nhưng vai trò của nhà giáo đối với sự phát triển phồn vinh của xã hội thì luôn không thay đổi, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định” Vì lợi ích mười năm trồng cây – Vì lợi ích trăm năm trồng người”- trồng người là trách nhiệm thiêng liêng mà tôi cũng như các bạn, những người đang cống hiến trong ngành giáo dục được xã hội giao phó và đó là lý do để mỗi chúng ta luôn ý thức hơn về trách nhiệm của mình, biết sống, biết cố gắng, biết học hỏi để là “những tấm gương sáng” cho các thế hệ học sinh noi theo.
Ý kiến bạn đọc