Rss Feed Đăng nhập

NHỚ LẠI NGÀY ẤY...

Đăng lúc: Thứ tư - 07/11/2018 12:03 - Người đăng bài viết: Trần Thanh Nga
     Vào những năm đầu của thập kỉ 60 của thế kỉ trước, huyện Can Lộc chỉ có một trường cấp 3 Can Lộc đặt tại đồi Nghèn (Thị trấn Nghèn). Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, trường sơ tán lên xã Thanh Lộc, sau đó chuyển sang xã Trường Lộc và đến tận bây giờ vẫn ở đấy. Năm 1967 mở thêm trường cấp 3 Nguyễn Văn Trỗi, đặt ở xã Thụ Lộc. Năm 1973 mở thêm Trường cấp 3 Đồng Lộc, đặt ở xã Đồng Lộc. Vậy là Can Lộc có ba trường cấp 3 ở ba phương: Tây Bắc, Tây Nam và Đông. Chiến tranh kết thúc, hòa bình trở lại, vùng trung tâm huyện vẫn thiếu vắng một trường cấp 3, con em Thị trấn, Tiến Lộc, Thiên Lộc, Vượng Lộc, Phúc Lộc… phải tới tận một trong ba trường cấp 3 kia học tập. Trước nhu cầu học tập của con em vùng trung tâm huyện nhà, Huyện ủy Can Lộc ra Nghị quyết phải lập một trường cấp 3 tại trung tâm huyện. Trong điều kiện kinh tế nhà nước khó khăn, cấp trên chưa cho phép mở thêm trường mới. Nếu có nhu cầu thực tế cấp thiết thì địa phương phải lo xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu cơ bản. Thế là Huyện ủy, UBND huyện phối hợp với ngành giáo dục quyết định chuyển một bộ phận của Trường cấp 3 Đồng Lộc về Thị trấn Nghèn để làm tiền đề. Ban đầu biết bao khó khăn, vất vả, từ việc cắt đất đến việc tạo ngân sách, chạy vật tư có thể nói đi lên từ hai bàn tay trắng. Nhờ quyết tâm của ban thường vụ huyện ủy, Lãnh đạo UBND mà những người đứng đầu là bác Nguyễn Lương Dần - Bí thư huyện ủy, bác Nguyễn Tiến Mạnh - Chủ tịch UBND huyện, đặc biệt phải kể đến công lao của bác Lê Ba - Phó chủ tịch huyện, người trực tiếp chỉ đạo thi công xây dựng.
    Thế rồi, với quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị cấp huyện cùng các địa phương, với phương châm tại chỗ - đào đất đắp nền tại chỗ, đào đất đốt gạch tại chỗ; với phương châm xã hội hóa, mỗi xã có con em học ở đây làm một nhà tranh nứa lá, có thể làm phòng học, có thể làm nhà ở cho cán bộ giáo viên. Và thế là sau ba tháng hè (tháng 6,7,8/1985) thi công quyết liệt, ồ ạt, một ngôi trường manh nha ra đời. Đầu tháng 9 năm 1985, một bộ phận của Trường cấp 3 Đồng Lộc được chuyển về thị trấn Nghèn - mang tên Phân hiệu 2 cấp 3 Đồng Lộc.
Nếu nói năm 2018 kỉ niệm ba mươi năm ngày thành lập Trường THPT Nghèn thì phải nói Kỉ niệm 30 + 3 mới đúng.
      …Tháng 8 năm 1988, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh ra quyết định thành lập Trường PTTH Nghèn - tiền thân là phân hiệu 2 Trường THPT Đồng Lộc (cùng một quyết định với Trường PTTH Nguyễn Công Trứ - Nghi Xuân).
     Ngày đầu trường mới thành lập, tôi - nguyên Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng và bổ túc văn hóa Can Lộc cùng thầy Trần Huy Tiếp làm ban lãnh đạo nhà trường. Thầy Tiếp nguyên Phó hiệu trưởng Trường cấp 3 Đồng Lộc phụ trách phân hiệu 2 làm quyền Hiệu trưởng, tôi làm Hiệu phó chuyên môn, thầy Phan Thìn làm Hiệu phó cơ sở vật chất, lao động. Làm hiệu phó phụ trách chuyên môn hết học kì 1, sang học kì 2, tôi đi học trường cán bộ quản lí Trung ương. Năm học 1989 - 1990, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng , thầy Trần Huy Tiếp nghỉ hưu.
   Khi tôi về nhận công tác, cũng như sau một năm đảm nhận trách nhiệm Hiệu trưởng, đứng trước bao khó khăn thử thách về cơ sở vật chất, về kỉ cương nề nếp, về chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy và học…
    Về cơ sở vật chất : Đầu những ngày mới thành lập (mặc dù đã sau 3 năm phân hiệu), trường có hai dãy nhà 8 phòng, một tầng, giống lô cốt, trần gác panen, chưa có lớp chống nóng, mưa thì dột, nắng thì nóng (Tôi đã từng nói với lãnh đạo huyện lúc bấy giờ, đồng chí Lê Long là chủ tịch huyện, rằng: Nên đổi tên thành “Trường PTTH chỉ học trời râm”); một dãy nhà cấp 4 vừa làm phòng học vừa làm văn phòng; Giám hiệu, bộ phận hành chính cùng chung một  phòng, mỗi người một góc. Trường không có thư viện, không có thiết bị thí nghiệm. Và có một chục nhà tranh vách đất - kết quả của phương châm xã hội hóa (mỗi xã một nhà) dùng làm để cho cán bộ giáo viên ở.
    
    Về cảnh quan: Ngoại trừ mấy nền nhà làm phòng học, nhà ở giáo viên còn toàn bộ mặt bằng của trường lúc này là ruộng trũng, cỏ dại, năn lác. Lại với phương châm tại chỗ: đào đất đắp nền, đốt gạch nên bốn phía trường là những dãy ao - đặc biệt là phía sau. Nơi bây giờ sân thể dục thể thao là bốn cái ao rộng hàng trăm mét vuông sâu gần 2m. Phải nói rằng khi xây dựng trường Nghèn không có một mét khối đất đá nào từ ngoài vào để san lấp mặt bằng trên nền đất vốn dĩ là ruộng trũng, ao hồ, hố bom. Có được mặt bằng như hôm nay (mặc dù nhiều người vẫn chê là quá thấp và vốn dĩ như vậy) nhưng đó là công lao của bao thế hệ học trò. Mỗi học kì, một học sinh  có nghĩa vụ một mét khối đất đá - các em phải dùng bằng gánh chở sau xe đạp, xe ô bi. Em nào có điều kiện thì bố mẹ cho thay bằng xe công nông. “Kiến tha lâu đầy tổ”, thế rồi các ao hồ mương máng cũng lắp xong. Ao hồ nhường chỗ cho những hàng cây, sân chơi, bãi tập. Chính vì thế mà tôi thường nói “ruộng xưa nay đã thành trường”.
    Bốn phía là ao hồ, nước đọng, bèo tây - nhiều người bảo là hàng rào sinh học, bởi vì nếu chẳng may ngã xuống sẽ bị vi trùng tiêu diệt. Phía trong ao hồ mương rãnh là một hàng rào bằng gai tre do học sinh nộp vào đầu năm học.
    Từ phòng học ra đường tỉnh lộ 6 vẫn không có lối ra, mỗi lần đi qua phải đi bằng ủng. Vì thế mà 20/11 có năm nhà trường đã tặng quà cho mỗi giáo viên một đôi ủng. Tôi còn nhớ để có lối ra, tôi đã giao cho thầy Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Đoàn trường tổ chức một ngày lao động Cộng sản đắp một con đường từ nhà học ra tỉnh lộ 6. Tận dụng bốn thanh sắt chữ  I của trường còn sót lại làm cầu. Làm buổi chiều thì tối kẻ gian đánh ô tô đến tháo dỡ chở đi mất.
    Nói về quy mô và chất lượng: Năm học 1988 -1989 trường có 12 lớp với 651 học sinh. Cán bộ giáo viên và công nhân viên có 45 người. Kỉ cương nề nếp có phần bị buông lỏng, giáo viên tùy tiện, học sinh nghịch quậy. Số học sinh đậu đại học cao đẳng quá khiêm tốn. Danh hiệu thi đua xếp vào tốp dưới của các trường PTTH trong tỉnh Nghệ Tĩnh. Trước thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng dạy và học  như thế, làm thế nào để đi lên? Câu hỏi lớn đặt ra cho cán bộ quản lí và giáo viên nhà trường. Tôi đã cùng với ban giám hiệu nhà trường, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ đã thống nhất một kế hoạch hành động:
    Một là: thiết lập lại kỉ cương nề nếp trong thầy và trò, coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển. Bước đầu với một kỉ cương nghiêm túc tạo sự khó chịu trong thầy và trò nhưng dần dần được sự đồng thuận của một số đông nhân tố tích cực mà nói như thầy Nguyễn Ngọc Hoan gọi là “phe tốt”, nhờ tinh thần đoàn kết tâm huyết của cán bộ giáo viên cũng nhận thức được rằng: “Tự do là sự nhận thức được tất yếu”. Và từ đó, mọi người cảm thấy kỉ cương xiết chặt đánh giá công minh là điều thoải mái nhất, là môi trường làm việc và cống hiến tốt nhất.
    Hai là: tôn trọng thực chất, đi lên từ thực chất. Kỉ cương và nề nếp là thế, chất lượng dạy và học là thế nhưng những năm trước đó tỉ lệ tốt nghiệp thường đạt 99%. Có kết quả đó là do phong trào “toàn dân tham gia thi cử”. Nhà trường lo thi trước học trò. Tỉ lệ đậu càng cao học sinh càng lười học và ỷ lại, càng quậy phá. Nói đến học sinh quậy phá vào những năm đó thì có thể viết thành tiểu thuyết, kịch bản phim. Trước thực trạng đó tôi đã bàn với ban lãnh đạo nhà trường phải chấp nhận thất bại một năm. Không thể đưa tỉ lệ “dởm” lên 100% được. Phải trả về với thực chất vốn có của nó để đi lên. Ta không thể đi lên từ cái nền móng dởm được. Kì thi tốt nghiệp năm 1889-1990, tôi chủ trương “không xã hội hóa thi cử”, không lo thay cho học trò, đề nghị hội đồng thi thực thi đúng quy chế. Năm đó thi ở Trường tiểu học Nghèn, Hội đồng thi chủ yếu từ Trường  PTTH Cẩm Xuyên ra coi thi. Họ làm đúng quy chế. Vì thế mà một số phụ huynh quá khích đe dọa hội đồng thi. Công an huyện phải bảo vệ các thầy cô coi thi qua cầu Già. Kết quả kì thi đó, PTTH Nghèn đạt 60%. Lãnh đạo huyện hoang mang, phụ huynh học sinh lo lắng. Đã có một vài vị trong lãnh đạo huyện đề xuất phải xem lại năng lực quản lí của ông Thái Danh Phương. Song số đông lại nói một năm chưa đủ đánh giá một con người, hãy đợi đấy! Riêng tôi có lập luận và giải trình “60kg thóc chắc hơn hay 100kg thóc lép hơn?” Tôi không thể đi lên từ nền móng dởm!
Cũng từ kết quả như vậy mà năm sau và những năm tiếp theo thái độ học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt, ý thức học tập ngày càng nâng cao, kỉ cương nề nếp ngày càng thắt chặt. Cũng nhờ vậy, nhờ sự kiện đó mà đã góp phần xóa đi cái ấn tượng gọi là “điểm nóng thi cử” trên địa bàn Can Lộc. Cũng chính từ đó mà PTTH Nghèn được dư luận đánh giá là một trường “nghiêm”. Cũng nhờ “nghiêm” mà phát triển và phát triển bền vững.
   Ba là: tận dụng tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất.
          Trước hết phải biết khai thác hết sự đồng tình ủng hộ của cha mẹ học sinh, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả những đồng tiền phụ huynh đóng góp. Tổ chức lao động của học sinh hợp lí – để san lấp mặt bằng , bớt phần ngân sách. Tổ chức cho học sinh tham gia lao động vừa rèn luyện ý thức tinh thần lao động vừa tạo nguồn ngân sách. Hồi đó trường đã từng nhận nạo vét kênh mương làm thủy lợi, có đợt đưa học sinh đi đắp đê ngăn mặn ở Thạch Kênh hàng tuần. Cực nhọc, vất vả mà vui.
Tranh thủ các mối quan hệ để xin sự hỗ trợ của trên. Từ 8 phòng học “chỉ học trời râm” qua hai lần tranh thủ sự đầu tư đã nâng cấp thành 16 phòng học. Nhưng rồi đến năm học 1998-1999 trường bị nghiêng lún, đe dọa sự an toàn. Nhà trường, hội cha mẹ học sinh kêu cứu, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triệu tập họp khẩn cấp yêu cầu nhà trường phải cho học sinh ra khỏi các phòng học đó và đầu tư khẩn trương xây dựng 18 phòng học mới. Thời gian ấy quả là khó khăn. Tám lớp học sinh phải ra học nhà để xe, một số lớp mượn phòng học của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Thế mà năm ấy học sinh đỗ đại học cao nhất so với trước đó. Chứng tỏ rằng cơ sở vật chất chưa phải là yếu tố quyết định chất lượng - mà ý chí nghị lực quyết tâm mới là yếu tố quyết định.
    Ngoại trừ nhà học hai tầng 16 phòng được đầu tư trọn gói còn các hạng mục khác: xây nhà nội trú cho cán bộ giáo viên để thanh toán hệ thống nhà tranh tre, xây nhà hành chính, nhà học ba tầng, thiết bị thí nghiệm, thư viện, khuôn viên, sân trường, tường bao, hệ thống nhà vệ sinh… nhà trường phải tự trang trải. Không được như một số trường được đầu tư trọn gói từ A đến Z
Có thể nói PTTH Nghèn là trường được đầu tư ít từ vốn ngân sách nhà nước nhưng có bước phát triển nhanh.
    Từ ba phương châm hành động có tính chiến lược trên, Trường THPT Nghèn dần đi vào ổn định và phát triển. Từ một trường xếp vào loại trung bình yếu sau 73 trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ Tĩnh đã từng bước vươn lên khá, tiên tiến và sau chín năm thành lập(1996-1997) đạt Trường tiên tiến xuất sắc, và những năm sau đó xếp vào tốp 5 trong tỉnh. Mười  năm sau (2006-2007) đạt Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Năm 2015 đạt Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
 
   Từ những điều tôi viết trên so sánh với những điều mắt thấy tai nghe của nhà trường hiện tại chắc các bạn cũng sẽ hình dung được bước phát triển của Trường THPT Nghèn 30 năm qua. Quả là một thành tựu đáng phấn khởi, đáng ghi nhận, đáng tự hào.
Tác giả bài viết: Thầy giáo Thái Danh Phương - Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nghèn 1989-2006
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

VĂN BẢN MỚI

Số: Số 19/KH-CĐCS
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Tết Trung thu năm 2023)

Ngày BH: (22/09/2023)

Số: Quyết định phê duyệt danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023 của trường THPT Nghèn
Tên: (danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023)

Ngày BH: (19/06/2023)

Số: 1330/QĐ-UBND
Tên: (Phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10)

Ngày BH: (09/06/2023)

Số: 42/TB-SGDĐT
Tên: (Về việc thăm dò dư luận đối với các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" lần thứ 16 - Năm 2023)

Ngày BH: (09/01/2023)

Số: Số: 98/QĐ-THPTN
Tên: (Quy định học trực tuyến)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: Số: 97/KH-THPTN
Tên: (Kế hoạch dạy học trực tuyến - THPT Nghèn)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: SNV-CCVC
Tên: (V/v hướng dẫn một số nội dung về lấy ý kiến nhận xét, đánh giá để thực hiện việc khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư)

Ngày BH: (21/12/2020)

Số: 3313/BGDĐT-GDĐH
Tên: (Điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh)

Ngày BH: (28/08/2020)

Số: 61 /KH-THPTN
Tên: (Thực hiện công văn chỉ đạo Số: 611/SGDĐT-GDPT, ngày 16/4/2020 và các công văn hướng dẫn của Sở về việc dạy học qua Internet trong thời gian qua, Trường THPT nghèn xây dựng quy định về việc dạy học qua Internet trong thời gian tới như sau:)

Ngày BH: (18/04/2020)

Số: Số: 239-KH/TWĐTN-TNTH
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III, năm học 2019 - 2020)

Ngày BH: (18/10/2019)

Danh mục

Thư viện hình ảnh

  Hoạt động

-1 photos | 4221 view

  Giải trí

1 photos | 3921 view

  Kỷ yếu

0 photos | 2492 view

Thống kê

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3002
  • Tháng hiện tại: 13776
  • Tổng lượt truy cập: 8145647

Hỗ trợ online

Võ Đức Ân
0964867606