Năm 1945, từ chiến khu về Hà Nội, Bác ở 12 Ngô Quyền. Bác được cấp mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Khi có Chính phủ liên hiệp thì Bác về ở số 8 Vua Lê, ông Khương là người nấu ăn cho Bác. Anh Kỳ, anh Cả và tôi cùng ăn với Bác. Bữa ăn của Bác rất đơn giản. Bác thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, một ít ớt và miệng bát cơm. Có khách thì Bác cố ăn được hai bát. Anh Khương quen nấu ăn cho Tây nên nấu nhiều món. Bác không ăn được nhiều nên thường nhắc chúng tôi phải ăn hết kẻo phí.
Kháng chiến bùng nổ, cơ quan Trung ương và Chính phủ trở lại Việt Bắc, chúng tôi theo Bác đi kháng chiến. Bác để anh Khương ở lại, một số anh em muốn anh Khương cùng đi, nhưng Bác nói: Ra khỏi Hà Nội, lên rừng thì chả có gì để Khương trổ tài nấu nướng. Cùng với chị Thanh, tôi và anh em bảo vệ thay nhau nấu ăn cho Bác. Quả đúng như vậy, suốt những năm kháng chiến món thịt Việt Minh gồm: một kilôgam thịt + một kilôgam muối + nửa kilôgam ớt xào lên cho vào ống là món ăn chủ lực đi đến đâu cũng tiện. Chỉ cần lấy rau nấu với thịt Việt Minh hoặc chỉ cần món thịt Việt Minh là đủ. Thật là:
"Bữa cơm muối, măng non, bí đỏ
Tháng ngày vui có Bác mà ngon!"
Khi tăng gia, chăn nuôi được nhiều, chúng tôi xin ý kiến Bác, Bác đồng ý cho bỏ món thịt Việt Minh.
Thỉnh thoảng được bữa ăn tươi, chúng tôi muốn dành bồi dưỡng cho Bác nhưng Người không đồng ý. Một lần, có nửa con gà luộc, tôi chặt to để Bác ăn, nhưng Bác không chịu, Bác bảo tôi chặt và chia đều cho mỗi người một miếng, phần Bác cũng chỉ một miếng. Thấy tình trạng như thế, chúng tôi phải tìm cách ăn trước.
Bác chỉ có hai bộ quần áo kaki để mặc khi tiếp khách và đi thăm các nơi, còn bình thường Bác mặc bộ bà ba nhuộm. Chăn màn, quần áo của Bác đều nhuộm nâu cho bền và dễ ngụy trang. Chỉ khi đi ra nước ngoài Bác mới mặc áo sơ mi. Khi Bác đi thăm nước ngoài, Người mới đồng ý may bộ quần áo dạ đen. Từ kháng chiến đến khi về Hà Nội, Bác vẫn dùng đôi dép cao su. Màn, gối, áo rách Bác đều cho vá lại. Đối với cán bộ Bác cũng yêu cầu như vậy.
Bác nói:
- Nếu làm nhiệm vụ tiếp xúc với khách nước ngoài thì nên mặc đẹp hơn, còn nếu không làm nhiệm vụ mà ăn mặc sang thì không phù hợp.
Một lần đi Quảng Ninh, thấy đồng chí đưa phà đón Bác ăn mặc sang trọng, Bác hỏi:
- Chú làm gì mà ăn mặc sang thế?
Bác có một áo len đã lâu. Tôi thấy cũ quá nên đề nghị anh Cần mua cho Bác một cái khác. Bác hỏi:
- Ai cho phép chú mua, áo còn tốt để Bác mặc.
Hoàng Hữu Kháng (Nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến 1951) kể
giản dị, chiến khu, hà nội, ăn uống, liên hiệp, nấu ăn, kháng chiến, bùng nổ, cơ quan, trung ương, trở lại, anh em, nấu nướng, bảo vệ, như vậy, món ăn, chủ lực, măng non, tháng ngày, tăng gia, chăn nuôi
Ý kiến bạn đọc