Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Phong Lê nêu rõ mục tiêu của hội thảo là nhằm đưa Nguyễn Du ra thế giới để tìm những đối sánh với các danh nhân văn hóa nhân loại.
Hội thảo lựa chọn thi hào Puskin để tìm kiếm sự tương đồng và khác biệt giữa văn hoá Đông - Tây.
Đề dẫn khẳng định, Nguyễn Du và Puskin cùng có một sự nghiệp viết với hai đỉnh cao là hai truyện thơ: Truyện Kiều và Evgheni Oneghin. Cả hai cùng được xem là bách khoa thư đời sống, cùng có vị trí tương đồng trong lịch sử mỗi dân tộc, một bên là “mặt trời thi ca Nga”, một bên là “khúc Nam âm tuyệt xướng”.
Đề dẫn mong muốn các tham luận sẽ đi sâu phân tích và khẳng định những khác biệt và nhiều mối tương đồng giữa Nguyễn Du và Puskin trong mối tương quan với lịch sử văn học mỗi dân tộc.
Sau báo cáo đề dẫn hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đến từ Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học dân gian Việt Nam và giảng viên các trường đại học trên cả nước đã trình bày tham luận theo chủ đề đưa ra và những gợi ý của chủ trì hội thảo.
13 tham luận được trình bày tại hội thảo và 13 tham luận gửi về hội thảo đã tập trung nhiều vấn đề về con người, cuộc đời, quê hương và sự nghiệp của hai đại thi hào, về di sản thi ca và di sản văn hóa tinh thần mà hai đại thi hào để lại.
Trong đó, một số tham luận đã làm rõ Nguyễn Du và Puskin trong bối cảnh thời đại và hoàn cảnh dân tộc mình như: Hai đại thi hào của hai dân tộc, hai đại thi hào của nhân loại (Dịch giả Thuý Toàn); Sự tương đồng giữa hai đại thi hào Nguyễn Du - Việt Nam và Puskin - Nga (Nhà nghiên cứu Huy Lê); Hai đại thi hào - Hai phương trời mà đại đồng tiểu dị (Thạc sỹ Kim Quang Minh)…
Vấn đề Nguyễn Du và Puskin viết về đất nước, quê hương, người dân nước mình cũng được đề cập, phân tích trong một số tham luận như: Đôi điều cảm nhận Puskin từ truyền thống phương Đông (Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi), Những người làm đẹp tâm hồn qua thơ viết về thiên nhiên (Thạc sỹ Mai Ngọc Chúc)...
Đặc biệt, nhiều tham luận đã phân tích sâu về địa vị của hai kiệt tác “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và Evgeni Oneghin (Pushkin) đối với văn hóa văn học Việt Nam và Nga như: Âm điệu trữ tình trong truyện Kiều của Nguyễn Du và truyện thơ Evgeni Oneghin của Puskin (PGS.TS Nguyễn Trường Lịch); Đã có một luận án nghiên cứu so sánh truyện Kiều của Nguyễn Du và truyện thơ Evgeni Oneghin của Puskin về phương pháp sáng tác (GS. Nguyễn Đình Chú)…
Ngoài ra, một số tham luận cũng đề cập đến vai trò của Nguyễn Du và Puskin đối với sự phát triển tiếng Việt và tiếng Nga qua sáng tác của mình; Việc giới thiệu Nguyễn Du ở Nga; Puskin ở Việt Nam và ảnh hưởng từ hai phía.
Tổng kết hội thảo, Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam khẳng định, các tham luận đã làm rõ sự hiển nhiên trong những sự khác biệt của các danh nhân. Tuy nhiên, sự khác biệt đó không làm khuất mờ những nét tương đồng trên nhiều khu vực và nhiều cấp độ. Điều này chứng tỏ tính nhân loại phổ quát và chủ nghĩa nhân văn, giá trị nhân bản xuyên suốt thời đại ở các danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có Nguyễn Du và Puskin.
Kết quả tại hội thảo sẽ mở ra những khám phá, bình diện mới, sâu hơn ở các danh nhân và sẽ có sự so sánh giữa Nguyễn Du với các danh nhân khác trên thế giới trong những hội thảo khác.
kỷ niệm, ngày sinh, phối hợp, văn hoá, thể thao, du lịch, tổ chức, hội thảo, tương đồng, khác biệt, phát biểu, giáo sư, mục tiêu, thế giới, nhân văn, nhân loại, thi hào, tìm kiếm, khẳng định, sự nghiệp, bách khoa
Ý kiến bạn đọc