Nhân vật nữ trong văn học luôn được người nghệ sĩ nhìn nhận vẻ đẹp từ hai góc độ, vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp phẩm chất. Có được vẻ hài hòa giữa ngoại hình và phẩm chất, giữa bên ngoài và bên trong là sự lí tưởng trong cảm hứng ngợi ca của những người cầm bút. Trong từng trang sách vẻ đẹp ngoại hình có thể dễ dàng nhận ra, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của con người lại cần cả một quá trình kiếm tìm, khám phá. Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những nhân vật như thế.
Xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm với ngoại hình xấu xí, thô kệch, người đàn bà trạc tuổi bốn mươi, mặt rỗ, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, nửa thân dưới ướt sũng, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới chính là hiện thân của một kiếp mưu sinh cơ cực, khốn khổ.
Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, người đàn bà ấy là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Thế nhưng trước những trận đòn của lão chồng vũ phu, người đàn bà vẫn không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn. Tưởng vô lí, tưởng ngờ nghệch, ngu ngốc nhưng thật ra sau câu chuyện của người đàn bà lại làm ta vỡ ra thật nhiều điều .
Nếm đủ cái cơ cực của cuộc sống đông con - trên dưới cả chục đứa, thuyền chật, có khi trời làm biển động cả nhà chỉ ăn xương rồng luộc chấm muối, người đàn bà biết mình bị chồng đánh là do khổ quá, chị kể : “
Bất cứ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Thà chịu bị hành hạ, đánh đập chứ người đàn bà ấy nhất định không chịu bỏ chồng, vì “
đàn bà hàng chài phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”, vì “
Đàn bà ở thuyền phải sống cho con chứ không thể sống cho mình được”.Qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài ta nhận ra những vẻ đẹp khuất lấp đáng quí biết bao. Đó là đức hi sinh vô bờ bến của một người mẹ thương con, là một con người cứng cỏi dám đối mặt với cuộc sống khó khăn để chắt chiu hạnh phúc đời thường, và đó cũng là người phụ nữ sâu sắc lẽ đời…Những vẻ đẹp đó chính là những viên ngọc, là sợi tơ óng ánh không dễ phát lộ trong cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công nhân vật người đàn bà hàng chài với mong muốn nhắn gửi đến người đọc thông điệp: cần nhìn con người ta bằng cái nhìn đa chiều, bằng con mắt thấu hiểu.
Nhân kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ , vào sáng ngày 8/3/2017, tại lớp học 12A12, đại diện Tổ Ngữ văn
Trường THPT Nghèn, cô giáo Trần Thị Thanh Nga đã tiến hành dạy tiết học thể nghiệm về chủ đề NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ NHỮNG VẺ ĐẸP ẨN KHUẤT. Tiết học đã làm bật lên hình tượng người đàn bà hàng chài với những vẻ đẹp khuất lấp, từ đó rút ra được tính triết lí trong cách nhìn cuộc đời và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trong không khí của ngày Quốc tế phụ nữ, chủ đề hướng đến hoạt động trải nghiệm bằng các tình huống giả định trong cuộc sống để học sinh thảo luận tranh biện và đi đến khẳng định những giá trị cốt lõi.
Sau đây là một số hình ảnh của tiết học.
Ý kiến bạn đọc