Hà Tĩnh - vùng quê nằm trên dải đất miền Trung - là nơi núi cao và biển cả đối mặt nhau giành từng tấc đất. Trông xa, miền quê ấy như tấm lưng trần đen sạm với những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn. Nhưng đó lại là nơi hội tụ khí thiêng sông núi.
Hà Tĩnh - vùng quê nằm trên dải đất miền Trung - là nơi núi cao và biển cả đối mặt nhau giành từng tấc đất. Trông xa, miền quê ấy như tấm lưng trần đen sạm với những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn. Nhưng đó lại là nơi hội tụ khí thiêng sông núi.
Truyền thuyết kể rằng: khi vùng Hà Tĩnh còn là đất cổ Việt Thường, là vùng biên trấn của quốc gia Đại Việt xưa, vua Hùng đi tìm nơi định đô. Vua đi khắp đất nước tìm vùng đất thích hợp. Vua nghe tin Việt Thường thuở xưa đặt kinh đô ở Ngàn Hống, Hùng Vương đích thân dẫn đoàn tùy tùng đến xem. Lúc đó bỗng xuất hiện một trăm con Phượng hoàng đang bay lượn trên trời, rất đẹp. Vua mừng lắm, cho rằng đã tìm được đất đóng đô. Ngờ đâu, một trăm con Phượng hoàng bay về núi, 99 con đậu trên 99 đỉnh núi Ngàn Hống, còn một con đầu đàn không có chỗ đậu nên đã bay đi, cả đàn thấy vậy cùng bay theo. Hà Tĩnh không còn là nơi vua Hùng chọn đóng đô nữa nhưng hồn thiêng sông núi thì vẫn còn hội tụ.
Hà Tĩnh trở thành cái nôi sinh ra các danh nhân như vua Mai Hắc Đế, trạng nguyên Sử Hi Nhan (đời Trần). Hà Tĩnh là quê ngoại của danh y Lê Hữu Trác, là quê hương của Nguyễn Biểu – nhà ngoại giao trí dũng song toàn thời Trần; là quê hương của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp – vị quân sư của hoàng đế Quang Trung. Hà Tĩnh còn là quê hương của nhà bác học Phan Huy Chú, Phan Huy Ích; quê hương của đại doanh điền Nguyễn Công Trứ; của hai vị tướng - hai cha con - Đặng Tất, Đặng Dung; của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, của nhà cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập; của nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn; nhà toán học Lê Văn Thiêm. Hà Tĩnh là cái nôi hun đúc nên những tâm hồn lớn như nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nhà thơ Xuân Diệu, nhà tho Huy Cận, danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi…
Hà Tĩnh không chỉ là miền quê của cách mạng, của văn hóa mà đó còn là vùng đất của thơ ca. Dẫu chỉ một lần chạm ngõ quê thơ, dù là những người con sinh ra trên mảnh đất này hay là du khách thập phương hành hương về xứ Nghệ, tất cả sẽ được chìm đắm trong sắc biếc của núi rừng, đồng quê, biển cả; cùng đắm say trong điệu hò, câu Ví, và sẽ càng thổn thức với trang Kiều dâu bể, với khúc tình ca man mác hoa tiên… Vậy là chúng ta đang được dẫn lối về với mảnh đất Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh, chúng ta đang dẫn bước vào ngõ Kiều, vào thế giới tâm hồn, thế giới thơ ca của đại thi hào dân tộc, Nguyễn Du.
Lần tìm trong trang thơ “Thanh Hiên thi tập”, nếu lật giở đến bài thơ “Mạn hứng II” người đọc sẽ không khỏi lưu lại hình ảnh trong hai câu thơ:
Vạn lí hoàng quang tương mộ cảnh
Nhất đầu bạch phát tản tây phong
Dịch nghĩa: (Đội mũ vàng, đi muôn dặm, cảnh đã xế chiều.
Mái tóc bạc lốm đốm, gió tây thổi tung).
Dịch thơ: Mũ vàng muôn đặm chiều hầu xế,
Tóc bạc trên đầu gió thổi tung.
Con người ấy, số phận ấy từng được hưởng cuộc sống quí tộc đủ đầy, nhưng không bao lâu, những biến thiên dâu bể đã sớm quăng quật ông ra giữa cuộc đời, để chứng kiến biết bao cảnh đời ngang trái, để rồi phải thốt lên nỗi lòng xót xa “Trải qua một cuộc bể dâu; Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nhưng từ trong đau thương của cuộc đời tư, trong nỗi thống khổ của muôn vàn số phận bi thương khắp cuộc sống chung này, qui luật sáng tạo được tạo lập, “ Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mãnh liệt của con người” (Ra-xun Ga-ma-tốp), từ đây ta có Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Du là một nhà thơ lớn trong nền văn học dân tộc trước hết phải kể đến những tập thơ bằng chữ Hán “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, Bắc hành tạp lục” hay sáng tác bằng chữ Nôm như “Văn chiêu hồn”… nhưng làm nên tên tuổi và vị trí của đại thi hào không thể không nhắc đến kiệt tác “Truyện Kiều”.
Với “Truyện Kiều”,Mộng Liên Đường Chủ Nhân từng bình luận: "...Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy".
“Nâng chén rượu trần mời chúng ta chia sớt chút sầu thiên cổ, người nghệ sĩ đa bệnh đa sầu đã đến từ hơn hai thế kỉ trước mà tiếng Người vẫn còn đồng vọng đâu đây. Bóng dáng một Nguyễn Du nòi tình dễ làm cảm thương người đồng điệu (để còn có kẻ khóc đến 300 năm), nhưng để gặp Nguyễn Du chính thực, có lẽ ta không thể chỉ tìm người trong suốt tâm sự “đoạn trường”, dù đó là nơi người đã để lộ thiên tài trác tuyệt, dù đó là tác phẩm không tiền khoáng hậu trong lịch sử văn học loài người, dù ở đó người đã phải mượn thân của một nàng Kiều để tự vẽ phận mình, dù ở đó, bằng thân phận riêng tư người đã hé cho ta thấy cả nghì đời dâu bể…
Ai đã từng sống vô biên trong khổ đau cũng như trong hoan lạc, từng trải qua những ngày lạnh và những đêm hoang vu, đừng khóc Tố Như vì người sẽ cười trên nước mắt “khóc dư” ấy. Nhưng hãy đọc một ngàn lần kinh Kim Cương rồi đọc lại Nguyễn Du và khi ấy nếu thấy lệ trào trên mi, hãy để cho nó thầm lặng chảy…
Ai đó có nói rằng “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt đắng cay”. Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, đến với thế giới tâm hồn, đi tìm giá trị biểu hiện của chữ “TÂM” trong trác nghiệp của người, chúng ta đang trải nghiệm tất cả các cung bậc tình cảm để biết yêu, ghét thông thường, và hơn thế nữa ta đang bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần to lớn của dân tộc.
Can Lộc, tháng 11/2015
Trần Thanh Nga
Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nghèn
Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Nga
trường sơn, lởm chởm, hội tụ, sông núi, truyền thuyết, quốc gia, thích hợp, kinh đô, hùng vương, tùy tùng, xuất hiện, phượng hoàng, ngờ đâu, trở thành, sinh ra, trạng nguyên, sử hi nhan, quê hương, ngoại giao, trí dũng, song toàn
Ý kiến bạn đọc