Rss Feed Đăng nhập

TIẾNG XUÂN

Đăng lúc: Thứ tư - 03/02/2016 18:35
                                                     TIẾNG XUÂN
                 (Ngày xuân, cùng đọc bài kệ của Mãn Giác thiền sư)
 
         Cùng với vòng tuần hoàn vỗ nhịp thời gian, hanh hao của đông lạnh đang dần nhường chỗ cho nàng xuân. Quy luật của tự nhiên từng được đại thi hào dân tộc Nguyễn Du gói gọn vào trong một câu lục bát thần tình:
                                                Sen tàn cúc lại nở hoa
                                      Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
                                                                                  (Truyện Kiều)
          Xuân về trong tiết trời ấm áp. Xuân về khi đàn chim tung cánh trên bầu trời. Xuân về khi đàn ong bay lượn trong ánh nắng. Xuân về khi những bông hoa nở ngát trên đồi xanh… Xuân về khi lòng người cất tiếng hát diệu kì - tiếng xuân.
Đến với bài kệ của Mãn Giác thiền sư (người đời sau đặt tên là “Cáo tật thị chúng”), chúng ta sẽ nhận ra những vang động diệu kì ấy.
Là một bậc cao tăng của triều đại nhà Lí, bài kệ của Mãn Giác thiền sư khởi nguyên từ một cảm hứng tôn giáo, là sự “bùng vỡ giác ngộ tâm Phật” của nhà tu hành, nhưng sức sống của nó đã vượt khỏi cửa chùa, vượt khỏi phạm vi của một bài “kệ ngộ giải” để trở thành một tác phẩm văn chương đích thực. Mỗi dịp xuân về đọc lại “Cáo tật thị chúng”, trong lòng người lại khơi dậy nhiều xúc cảm, nhiều suy ngẫm. Hai cảm hứng đạo và đời của bài kệ là hài thanh của tiếng xuân được xướng lên trong mỗi vần nhịp, câu từ:
                                           Xuân khứ bách hoa lạc,
                                           Xuân đáo bách hoa khai.
                                           Sự trục nhãn tiền quá,
                                           Lão tòng đầu thượng lai.
                                           Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
                                           Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Cũng khái quát quy luật của tự nhiên: xuân qua - xuân tới; hoa nở - hoa rụng,  nhưng hai câu mở đầu của bài kệ lại gieo vào lòng người một niềm vui xuân. Sau chút ngậm ngùi, tiếc nuối khi “Xuân khứ bách hoa lạc”, tiếng xuân reo vui cùng “Xuân đáo bách hoa khai”. Xuân đến - hoa nở, hay lòng người nở hoa vui đón xuân? Ở hai câu thơ này chúng ta thấy có một cái gì đó đang chuyển động thật khẽ, thật êm trong trời đất, trong vạn vật. Các cặp động từ “khứ - đáo”, “lạc - khai” thể hiện một cái gì đó như là sự hồi sinh của đất trời sau những tháng đông dài lạnh lẽo. Giao hòa cùng xuân đất trời là lòng yêu vô bờ với cuộc sống của con người. Đạo của nhà Phật và dòng chảy cuộc đời gặp nhau ở cốt lõi giá trị nhân văn ấy. Cũng xuất phát từ lòng yêu vô bờ với cuộc sống này mà ngẫm đến kiếp nhân sinh ngắn ngủi ta bắt gặp một tiếng thở dài của vị thiền sư:
                                  Trước mắt việc đi mãi,
                                  Trên đầu già đến rồi.
 Sự vận động của lẽ đạo tuy là vô tình nhưng lòng thi nhân thì đâu có vô tình - buồn khi xuân qua, hoa tàn; vui khi xuân tới, hoa nở và ngậm ngùi, thổn thức vì đời người ngắn ngủi mà nỗi lòng vẫn còn vương vấn nhân gian, thế tục.
 Nhưng chính từ trong dòng  suy tư, trong dòng cảm xúc ấy mà ta bắt gặp sự bất ngờ  ở hai câu kết:
                               Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
                             Đêm qua sân trước một cành mai.
Theo quan niệm của nhà Phật, để tự giải thoát khỏi vòng luân hồi của pháp tướng, chỉ còn một cách là tu hành, giác ngộ cái lẽ hóa sinh. Khi đạt đến cái đích chân như, cái tâm của con người có thể thoát ra ngoài vòng sinh tử và sẽ vĩnh viễn nở hoa. Nhưng hình ảnh “nhất chi mai”, ở góc độ nghệ thuật còn là một cành xuân. Cành mai ấy nở trong một đêm cuối xuân, khi mọi loài hoa tuân theo quy luật tự nhiên đã “rụng hết”. Cành mai ấy là biểu tượng của cái đẹp, hơn thế là biểu tượng của sự bất tử, vĩnh hằng, thách đố cả với tạo hóa. Đó là cành mai tinh thần mang thông điệp của nhà Phật, nhưng hơn thế nữa đó cũng là cành mai lạc quan của con người vào cuộc sống.
Bài kệ  còn được xem là một bài thơ có giá trị khi chúng ta tìm thấy ẩn ý nằm ở trong cấu trúc toàn bài. Cùng với sự chuyển vần của quy  luật tự nhiên, cái lưu lại trong lòng người là “Xuân tới, trăm hoa tươi”. Cùng với sự chuyển vần của quy luật đời người, neo đậu vào tâm hồn người đọc lại là “một cành mai”. Sự chuyển vần trong cảm xúc luôn hướng về tương lai, hướng về cái tươi mới, đẹp đẽ đã thắp lên niềm tin, niềm lạc quan cho tất cả những ai yêu mến cuộc sống này. 
          Xuân về, hãy cùng đọc lại bài kệ của Mãn Giác thiền sư chúng ta sẽ bắt gặp sắc xuân trong hình ảnh “nhất chi mai” tinh khôi, cao quý,  nở hoa trong cuộc đời, ta sẽ lắng nghe tiếng xuân náo nức trong lòng người chan hòa cùng đất trời, cùng quê hương, đất nước.                                                     
 
                                                                                                                                                    Hà Tĩnh tháng 1/2016
                                                                                                                                                     Trần Thị Thanh Nga
                                                                                                                               Giáo viên Trường THPT Nghèn – Can Lộc – Hà Tĩnh
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

VĂN BẢN MỚI

Số: Số 19/KH-CĐCS
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Tết Trung thu năm 2023)

Ngày BH: (22/09/2023)

Số: Quyết định phê duyệt danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023 của trường THPT Nghèn
Tên: (danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023)

Ngày BH: (19/06/2023)

Số: 1330/QĐ-UBND
Tên: (Phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10)

Ngày BH: (09/06/2023)

Số: 42/TB-SGDĐT
Tên: (Về việc thăm dò dư luận đối với các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" lần thứ 16 - Năm 2023)

Ngày BH: (09/01/2023)

Số: Số: 98/QĐ-THPTN
Tên: (Quy định học trực tuyến)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: Số: 97/KH-THPTN
Tên: (Kế hoạch dạy học trực tuyến - THPT Nghèn)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: SNV-CCVC
Tên: (V/v hướng dẫn một số nội dung về lấy ý kiến nhận xét, đánh giá để thực hiện việc khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư)

Ngày BH: (21/12/2020)

Số: 3313/BGDĐT-GDĐH
Tên: (Điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh)

Ngày BH: (28/08/2020)

Số: 61 /KH-THPTN
Tên: (Thực hiện công văn chỉ đạo Số: 611/SGDĐT-GDPT, ngày 16/4/2020 và các công văn hướng dẫn của Sở về việc dạy học qua Internet trong thời gian qua, Trường THPT nghèn xây dựng quy định về việc dạy học qua Internet trong thời gian tới như sau:)

Ngày BH: (18/04/2020)

Số: Số: 239-KH/TWĐTN-TNTH
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III, năm học 2019 - 2020)

Ngày BH: (18/10/2019)

Danh mục

Thư viện hình ảnh

  Hoạt động

-1 photos | 4214 view

  Giải trí

1 photos | 3917 view

  Kỷ yếu

0 photos | 2487 view

Thống kê

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 1533
  • Tháng hiện tại: 1533
  • Tổng lượt truy cập: 8133404

Hỗ trợ online

Võ Đức Ân
0964867606