Ý THỨC TỰ CƯỜNG DÂN TỘC
TRONG NHỮNG BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Với lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã có không biết bao lần phải đứng trước hiểm họa ngoại xâm. Nhưng chính trong quá trình giành và bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước nhà, nhiều truyền thống quí báu của dân tộc đã được hun đúc, hình thành và bền bỉ ăn sâu trong đời sống tâm hồn con người Việt Nam. Một trong những giá trị ấy, phải kể đến ý thức tự cường dân tộc - ý thức tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người. Và có lẽ, không ở đâu dấu ấn tự cường dân tộc lại sâu đậm như ở các bản tuyên ngôn độc lập trong lịch sử văn học nước nhà.
Tuyên ngôn là bản tuyên bố có tính chất cương lĩnh , bày tỏ chủ kiến của một chính đảng, một tổ chức . Trong tiến trình phát triển của lịch sử, dân tộc nào cũng có những văn kiện có tính chất tuyên ngôn về độc lập, chủ quyền được công bố rộng rãi trong một hoàn cảnh nhất định. Lịch sử văn học Việt Nam đã có ba bản tuyên ngôn độc lập:
Nam quốc sơn hà (1076) của Lý Thường Kiệt,
Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi và
Tuyên ngôn độc lập (1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bản tuyên ngôn được khai sinh trong một thời kì lịch sử khác nhau, trong những điều kiện, hoàn cảnh đất nước khác nhau, lại thuộc những thể loại không giống nhau, nhưng cả ba tác phẩm đều hội tụ sức mạnh tinh thần, mang vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của con người Việt Nam, kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc Việt Nam… Và điều đặc biệt hơn nữa là trong cả ba bản tuyên ngôn độc lập, ý thức tự cường đã trở thành mạch ngầm cuộn chảy trong lịch sử dân tộc và cả trong lịch sử tâm hồn con người Việt Nam.
1. “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” (
Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt) Năm 1076 khi quân nhà Tống do Quách Quỳ chỉ huy đã dẫn hơn ba mươi vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Danh tướng Lý Thường Kiệt, người cầm đầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống đã tổ chức lập phòng tuyến sông Như Nguyệt. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây, nhưng quân Tống không sao vượt qua được đành đóng lại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông, giả làm thần đọc bốn câu thơ bằng chữ Hán, người đời sau gọi tên bài thơ bằng những chữ mở đầu -
Nam quốc sơn hà. Người ta vẫn thường gọi đó là thơ
thần, bởi giọng điệu hào sảng, bởi nó đã khích lệ sức mạnh tướng sĩ, đồng thời làm cho quân địch hoang mang, nhanh chóng đại bại.
Bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, bởi nó kết tinh được hào khí thời đại, đồng thời nêu cao ý thức tự cường dân tộc:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch thơ:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở Rành rành định phận ở sách trời Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời (Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích. Ý tưởng bảo vệ độc lập, kiên quyết chống giặc ngoại xâm được diễn đạt trực tiếp qua một mạch lập luận khá chặt chẽ và biện chứng.
Mở đầu bài thơ là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền đất nước:
Nam quốc sơn hà Nam đế cưCâu thơ bảy tiếng tạo thành hai vế đối xứng nhau nhịp nhàng:
Nam quốc sơn hà -
Nam đế cư. Từ sự đăng đối đó tác giả đang muốn xác lập vị thế của một dân tộc.
Trong tư tưởng của bọn cầm quyền phong kiến Trung Quốc, xưa nay chỉ có
Bắc đế, chứ không có
Nam đế. Chúng cho rằng hoàng đế Trung Hoa là vị hoàng đế duy nhất của thiên hạ, thay trời trị vì thiên hạ. Vì thế, khi xâm lược nước Nam, áp đặt được ách thống trị, Trung Quốc đã ngang nhiên trắng trợn biến nước ta thành quận, huyện của chúng. Nhưng rồi chỉ ngay câu thơ mở đầu bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, tư tưởng cố hữu đó đã bị xô đổ. Với Lý Thường Kiệt,
Nam quốc ở đây không chỉ có nghĩa là nước Nam, mà là vị thế của một đất nước tồn tại độc lập, sánh vai ngang hàng với một cường quốc lớn ở phương Bắc là Trung Quốc. Đất nước ấy có chủ quyền, có một vị hoàng đế (
Nam đế). Vị hoàng đế nước Nam cũng có uy quyền không kém gì các hoàng đế Trung Hoa, cũng là một bậc đế vương, do đấng tối cao phong tước, chia cho quyền cai quản một vùng đất riêng mà lập nên giang sơn xã tắc của mình:
Tiệt nhiên định phận tại thiên thưSông núi nước Nam là của người Nam. Đó là sự thật hiển nhiên. Không ai có quyền phủ định. Sự phân định núi sông, bờ cõi là do
trời định. Bản đồ ranh giới lãnh thổ của các quốc gia đã in dấu ấn
tại thiên thư, không ai có thể thay đổi được.
Từ những lí lẽ đanh thép ấy, tác giả quả quyết khẳng định:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.Xem lại bài thơ này ta thấy có ba điểm chính trong lập luận để khẳng định những chân lí ngàn đời: nguyên tắc độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, nguyên tắc về bổn phận thiêng liêng của người Việt là phải bảo vệ tổ quốc của họ. Đó là những cơ sở đầy sức thuyết phục của bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của quốc gia Việt Nam. Đằng sau những tuyên bố giõng dạc, đanh thép ấy là niềm tự hào về sức mạnh dân tộc, là niềm tin vào một nền tự chủ độc lập của nước nhà. Bài thơ
thần mang hào khí của cả một thời đại, khởi nguồn cho dòng chảy bất tận của thơ văn yêu nước Việt Nam. Bài thơ là minh chứng hùng hồn cho ý thức tự cường dân tộc của con người Việt Nam.
2. “
Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nên độc lập; Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)Trong lịch sử văn học dân tộc, áng thiên cổ hùng văn
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. Đó là áng văn tràn đầy tinh thần tự cường dân tộc.
Bình Ngô đại cáo ra đời sau khi Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh tan bè lũ xâm lược nhà Minh. Đây là lời bố cáo của vua Lê Lợi với toàn thiên hạ về chiến thắng của dân tộc, khẳng định nền độc lâp tự chủ của nước nhà.
Từ cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa
cốt ở yên dân,
trừ bạo, phần đầu của bài cáo đã nêu cao ý thức tinh thần tự cường dân tộc:
Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cỡi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nên độc lập Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có.Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, Nguyễn Trãi đã dựa vào các yếu tố như: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những yếu tố căn bản này, tác giả đã đưa ra một khái niệm khá hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc. Nhân dân ta có chủ quyền, có thuần phong mỹ tục riêng làm nên hai phương Bắc - Nam khác biệt. Ta có nền độc lập vững vàng được xây bằng những trang sử vẻ vang. Hùng cứ cùng
Hán, Đường, Tống, Nguyên ở phương Bắc là các triều
Triệu, Đinh, Lý, Trần ở phương Nam. Hơn thế nữa, bao đời nay,
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có. Sau mỗi căn cứ để xác lập vị thế của nước Đại Việt là ý thức tự cường dân tộc, là niềm tự hào về sức mạnh của nước nhà được cất lên từ sự hòa quyện của tiếng lòng của vua - tôi.
Ý thức tự cường dân tộc ở phần mở đầu của bài cáo cũng chính là cơ sở, tiền đề để Nguyễn Trãi lược thuật lại quá trình dựng cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu khi
Tuấn kiệt như sao buổi sớm; Nhân tài như lá mùa thu, với thiếu thốn trăm bề
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi Huyện quân không một đội, đến những chiến thắng vang dội với
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật; Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay, cho đến ngày toàn thắng
Đánh một trận sạch không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cứ như vậy, ý thức tự cường dân tộc từ phần đầu bài cáo đã được nối mạch về đến kết bài:
Xã tắc từ đây vững bền Giang sơn từ đây đổi mới Càn khôn bỉ mà lại thái Nhật nguyệt hối mà lại minh Muôn thuở nền thái bình vững chắc Ngàn năm, vết nhục nhã sạch làu3. “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (
Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh) Sau hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, hàng trăm năm dưới chế độ thực dân, mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám, giành độc lập, tự do cho đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Tại căn nhà số 48, Hàng Ngang, Bác đã soạn thảo
Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Bác đã đọc bản
Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền tự do của dân tộc Việt Nam trên cơ sở chân lí, lẽ phải không thể chối cãi, xuất phát từ thực tế Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Để thực hiện tuyên bố đó, ngay từ phần mở đầu của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao ý thức tự cường dân tộc.
Như một lẽ thông thường, trong phần mở đầu của một bản tuyên ngôn, người viết thường nêu ra những nguyên lí cơ bản làm cơ sở pháp lí cho nội dung, tư tưởng toàn bài. Ở phần đầu bản
Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tich Hồ Chí Minh đã nêu ra một nguyên lí phổ quát - quyền độc lập, tự do của dân tộc và quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Nhưng có điều, Người không nêu trực tiếp những nguyên lí ấy, mà đã viện dẫn bản
Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mĩ -
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc và sau đó là
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 -
Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được bình đẳng về tự do và quyền lợi.Những lời lẽ tốt đẹp này mang một giá trị nhân bản sâu sắc, bởi nó đã khẳng định được những quyền lợi cơ bản của con người. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử loài người, trước hết là để bày tỏ thái độ trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mĩ, của nhân loại tiến bộ; đồng thời thể hiện thái độ tranh luận nhằm bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp, khi cho rằng Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng Đồng minh nên sự trở lại của Pháp là đương nhiên.
Trích dẫn hai bản tuyên ngôn cũng là cách nhắc nhở khéo léo của Bác đối với người Mĩ, người Pháp về những giá trị tiến bộ mà cha ông họ đã phải đấu tranh, đổ máu mới có được; nhắc nhở người Mĩ, người Pháp chớ có vấy máu lên lá cờ tự do, dân chủ mà loài người tiến bộ đã tốn bao công sức để bảo vệ.
Tất nhiên, tiếp nối mạch chảy truyền thống từ hai bản tuyên ngôn độc lập trước đó,
Tuyên ngôn Độc lập của Bác một lần nữa đã nêu cao ý thức tự cường dân tộc. Lý Thường Kiệt từng xác lập vị thế đăng đối của
Nam quốc sơn hà -
Nam đế cư; Nguyễn Trãi từng tuyên cáo:
Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nên độc lập; Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương, nay Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đặt ba cuộc Cách mạng ngang hàng nhau (Cách mạng của người Mĩ đánh đuổi thực dân Anh năm 1776, Cách mạng Tư sản Pháp năm 1791 và Cách mạng tháng Tám năm 1945 của ncgười Việt Nam); đặt ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau (
Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mĩ,
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của người Pháp và
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam); đồng thời đặt ba dân tộc ngang hàng nhau. Ý thức tự cường dân tộc đã nâng tầm vị trí của nước Việt Nam mới ngang hàng với Pháp, Mĩ. Đó cũng là một cách kín đáo và sâu sắc để Bác bày tỏ niềm tự hào dân tộc.
Ý thức tự cường dân tộc thực chất là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước. Tự cường dân tộc là nguồn sức mạnh để mỗi dân tộc bảo về được quyền tự do, độc lập của mình. Kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc ta, ba bản tuyên ngôn độc lập đã xác lập được dòng chảy sức mạnh tinh thần bền bỉ trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Từ đó, ý thức tự cường sẽ lan tỏa bởi nhiều ngã rẽ trong cuộc sống, bởi những điều gần gũi và giản dị hơn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptnghen.edu.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc