/HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHƯƠNG PHÁP HỌCVÀ LÀM BÀI THI MÔN LỊCH SỬ
1. Hướng dẫn HS phương pháp học Lịch sử
- GV có thể đưa ra một số phương pháp sau:
+ Niềm đam mê là yếu tố rất cần thiết khi bạn muốn học tốt môn Lịch sử. Các em hãy quan niệm, học Lịch sử không phải để thi đại học mà học nó để yêu cuộc sống, tìm hiểu các kiến thức quy luật trong quá khứ.
+ Nếu các em mới bắt đầu học Lịch sử thì không nên tìm đọc sách cao siêu, mà nên chú ý lắng nghe thầy cô giảng dạy trên lớp và học theo sách giáo khoa, vì kiến thức đó sẽ làm nền tảng cơ bản cho kiến thức Lịch sử của các em. Và nguyên nhân thứ hai là vì hiện nay các sách Lịch sử có rất nhiều ý kiến khác nhau về các sự kiện lịch sử, cho nên nghe lời thầy cô giúp các em tìm được một hướng đi đúng.
+ Khi các em học khá môn Lịch sử rồi các em có thể tìm đọc các loại sách như: Lịch sử Việt Nam đại cương (3 tập), Lịch sử thế giới đại cương (3 tập), Những sự kiện Việt Nam - Thể giới (NXB Quân đội Việt Nam), Những bài thi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia Lịch sử… Những cuốn sách này giúp các em có cái nhìn tổng quát nhất đối với môn Lịch sử....................................................................................
+ Các em nên chăm chỉ viết bài, đôi khi các em có thể tự tìm đề để viết rồi đưa cho thầy cô sửa giúp, sau đó viết lại nhuần nhuyễn. Cách này giúp tăng khả năng trình bày, diễn đạt của các em và tạo nên kỹ năng ứng phó tốt với mọi loại đề.
+ Khi ôn tập môn lịch sử phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
.“Như thế nào?”(trình bày, nêu khái quát, tóm tắt, chứng minh,
so sánh)
.“Tạisao?”(giảithích)
. “Phân tích” (vừa trình bày, vừa giải thích, so sánh, nhận xét/đánh giá, phê phán)
2. Các kỹ năng cơ bản khi làm bài thi môn Lịch Sử
a. Phân tích đề
- Việc xác định đề bài sai sẽ dẫn đến làm xa đề, lạc đề, mất điểm, thậm chí nếu tệ hại sẽ không có điểm nào. Các em phải bình tĩnh đọc thật kỹ đề bài, đọc kỹ từng câu chữ và xác định mục đích, yêu cầu của đề ra xem đề hỏi vấn đề gì? Kiến thức của câu các câu hỏi thuộc phần nào trong chương trình? Thời gian và không gian của vấn đề hay sự kiện gì? Các câu trong đề yêu cầu?.
b. Làm đề cương sơ lược
Sau khi xác định được đúng yêu cầu của đề, các em phải lập dàn ý (hay đề cương sơ lược) vào giấy nháp bằng những tiểu mục, gạch đầu dòng hay sơ đồ hóa kiến thức (sơ đồ tia) theo từng phần, từng câu hỏi của đề bài. Trong quá trình tự học ở nhà và trải qua nhiều lần thi thử, kỹ năng này nếu được thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc sẽ giúp thí sinh có khả năng chủ động và độc lập tư duy trong học tập và thi cử. Ngược lại, nếu thí sinh không rèn luyện kỹ năng này, viết trực tiếp vào bài thi sẽ thường bị thiếu hay thừa kiến thức, hoặc các ý trong từng câu trong đề thì thường lộn xộn, dẫn đến tình trạng tẩy xóa một cách bị động khi trình bày.
c. Phân bố kiến thức và thời gian hợp lý cho từng phần, từng câu hỏi của đề thi
- Khi làm bài, các em không nhất thiết phải làm theo thứ tự câu hỏi trong đề bài. Phần kiến thức nào, câu nào dễ thì làm trước, khó làm sau. Khi làm, thí sinh nên lưu ý rằng, đã làm câu phần nào, câu nào thì phải làm cho xong, tránh hiện tượng “nhảy cóc” trong bài làm, câu này chưa xong lại làm sang câu khác. Sự chắp vá và tủn mủn về kiến thức giữa các câu trong bài viết sẽ tạo nên một cảm giác khó chịu cho giám khảo trong quá trình chấm.
- Yêu cầu tối quan trọng cho các các em khi làm bài là cần đi thẳng vào vấn đề, không viết lan man, dài dòng, tránh vòng vo dẫn đến hậu quả các em sẽ mất nhiều thời gian, xa đề và lạc đề. Đây là lỗi phổ biến của nhiều em khi làm bài thi môn Sử tuyển sinh vào đại học, cao đẳng vì nhiều em có một quan điểm rất sai lầm khi cho rằng khi làm bài nhiều chữ, nhiều trang sẽ nhiều điểm, “thà thừa hơn thiếu”, “thà viết nhầm hơn bỏ sót”…
Tuy nhiên, môn Sử cũng như các môn khoa học xã hội khác, các em khi trình bày bài viết nên có 3 phần rõ ràng là mở bài, thân bài và tiểu kết cho mỗi câu để tránh trình bày kiến thức theo kiểu cụt lũn. Khi trình bày giữa các ý trong từng câu của đề thi phải rõ ràng, mạch lạc. Hết các ý lớn nên xuống hàng, không nên trình bày gộp.
d. Tránh nhầm lẫn kiến thức và sự kiện cơ bản
- “Nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ của nó. Khi làm bài thi môn Sử, thí sinh không được trình bày theo kiểu nhớ “mang máng” kiến thức và “sáng tác” thêm sự kiện. Kiến thức lịch sử thường có 2 bộ phận: hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử.
- Các em phải luôn nhớ rằng, Lịch Sử là môn thi tuyệt đối “kỵ”với những hiểu biết ngây ngô, với các khái niệm mơ hồ và sự sai sót, nhầm lẫn, thậm chí “viết lại” đến mức xuyên tạc, bóp méo về kiến thức và sự kiện lịch sử.
- Đối với những sự kiện lịch sử mà thí sinh không nhớ được chính xác thời gian và không gian cụ thể thì các em không nên ghi cho có mà nên liên hệ các sự kiện khác trong cùng một giai đoạn đó để xác định được mốc thời gian tương đối của sự kiện.
- Nếu không ghi được ngày tháng cụ thể thì chỉ ghi năm, không nhớ chính xác thì cho biết sự kiện đó diễn ra mùa nào trong năm, khoảng đầu, giữa hay cuối năm. Không nhớ được chính xác được địa danh làng, xã, huyện thì cũng phải nhớ đến địa danh tỉnh, vùng của nơi xảy ra sự kiện đó
- Điều chúng tôi xin lưu ý với các em khi làm bài môn Sử rằng, bản chất của khoa học lịch sử nếu nêu sự kiện lịch sử mà không xác định được mốc thời gian xảy ra sự kiện đó thì không còn gọi là lịch sử nữa. Nếu không nhớ được địa điểm diễn ra sự kiện thì các em cũng phải xác định được thời gian của sự kiện đó.
- Đối với những sự kiện điển hình của lịch sử dân tộc đánh dấu những thắng lợi mang tính bước ngoặt của tiến trình lịch sử, các em không được nhầm hoặc võ đoán theo kiểu ước lượng “khoảng” như các sự kiện: 3/2/1930, 30/4/1975, 7/5/1954, 21/7/1954, 2/9/1945, 19/12/1946… hay nhầm tên các kiến thức, sự kiện lịch sử như: Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) với Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (15/8/1945); chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) với “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972); Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) với Hiệp định Pari (27/1/1973); Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975…
e. Trình bày bài thi
- Ngoài nội dung kiến thức của bài thi là nhân tố mang tính chất quyết định điểm số bài thi, đối với các môn khoa học xã hội với hình thức thi tự luận thì đây cũng là một kỹ năng góp phần quan trọng . Nhận thức đề đúng, đề xuất luận điểm hợp lý, có kiến thức phong phú chưa đủ để bài thi môn Sử có kết quả cao nhất. Giá trị của một bài thi không chỉ thể hiện ở phần nội dung mà còn ở cả phần hình thức trình bày.
- Kiến thức lịch sử thường khô khan. Muốn có một bài thi Lịch Sử đúng, hay và đạt điểm cao, các em phải biết trình bày những hiểu biết của mình với diễn đạt lưu loát, rõ ràng ý, chữ viết sạch sẽ và dễ đọc, không mắc những lỗi chính tả và tẩy xoá thông thường. Khả năng trình bày kém và cẩu thả sẽ gây sự mất thiện cảm đối với các giám khảo trong quá trình chấm.
+
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Hoa
Nguồn tin: Sưu tầm
học sinh, phương pháp, hướng dẫn, lịch sử, có thể, đam mê, yếu tố, cần thiết, quan niệm, đại học, tìm hiểu, kiến thức, quy luật, bắt đầu, cao siêu, chú ý, lắng nghe, giảng dạy, sách giáo khoa, nền tảng, cơ bản
Ý kiến bạn đọc