Một vài giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Tình hình thực tiễn nêu trên đã gợi cho chúng ta một hướng tư duy tích cực để xây dựng một hệ thống giảng dạy có chất lượng phù hợp với xu thế hội nhập của nước nhà. Hệ thống đó phải mang tính đổi mới nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói phản ánh được tình hình của thế giới. Phát huy tới mức tối đa các phương tiện nghe nhìn, hỗ trợ cho học tập và tiến tới xu hướng kiểm tra, đánh giá hiện đại.
Để nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình thực tiễn hiện nay, tôi xin gợi ý một vài giải pháp hy vọng sẽ góp một phần nhỏ trong công cuộc cải cách, đổi mới phương pháp giáo dục của nước nhà.
1. Phát huy tới mức tối đa các phương tiện nghe nhìn, hỗ trợ cho học tập. Trong hoàn cảnh cụ thể còn nhiều khó khăn của Tỉnh nhà, trước hết cần phải xây dựng những bộ tranh luyện nghe-nói (visual aids), tiếp đến là trang bị máy ghi âm (audio-asistant teaching and learning) và nếu có điều kiện thì trang bị thêm máy ghi hình (video-assistant teaching and learning).
2. Cần có những hoạt động khuyến khích người học xử lý thông tin mới. Những hoạt động đó sẽ giúp cho người học học có hiệu quả hơn so với những hoạt động thụ động, như nghe chẳng hạn. Như vậy việc học tập thành công nhờ vào việc người học xây dựng nên kiến thức của riêng mình như thế nào. Người dạy chỉ giúp học sinh xây dựng nên ý nghĩa riêng về những kiến thức mà họ đã trình bày. Người học cũng cần có khả năng suy xét, thảo luận và sử dụng những ý tưởng đó thành những ý nghĩa riêng và họ cũng cần làm chủ những ý tưởng đó.
Trong giờ học, người thầy phải là người quản lý, phải chịu trách nhiệm hình thành tình huống để phát huy hoạt động giao tiếp. Ví dụ dạy chủ đề mua bán, người thầy phải gợi ra tình huống cụ thể như hỏi giá, bình phẩm hàng hoá… rồi lùi vào một góc lớp học để quan sát học trò “mua bán”. Trong khi học sinh giao tiếp, người thầy lại đóng vai trò cố vấn, giúp người học vượt qua khó khăn khi sử dụng từ, hướng dẫn cho họ phối hợp lời nói và hành vi giao tiếp. Sau mỗi tình huống, người thầy lại đóng vai trò người đánh giá, không phải phát hiện lỗi sai của người học để trừng phạt, mà phát hiện lỗi sai của chính mình trước. Người thầy sẽ nhìn thấy nhược điểm giảng dạy, kể cả lỗ hổng kiến thức của chính mình qua mức độ thành công hay thất bại trong giao tiếp của người học.
3. Nên dạy bằng cách hỏi chứ không dạy bằng cách kể. Thay vì kể cho người học nghe cách bảo vệ môi trường như thế nào, giáo viên có thể cho học sinh quan sát một vài bức tranh khác nhau về sự ô nhiễm môi trường rồi hỏi “Các em nghĩ xem làm thế nào để môi trường của chúng ta xanh, sạch đẹp hơn?”. Dĩ nhiên người học cần có sự giúp đỡ để đi tới câu trả lời đúng nhưng làm như vậy người học vừa học được cách lập luận, vừa tạo ra được ý nghĩa riêng của mình. Đây được gọi là “sự khám phá có hướng dẫn”. Bên cạnh đó giáo viên cần phải nêu ra những câu hỏi có trình độ cao hơn buộc người học phải lập luận. Chẳng hạn, hãy hỏi những câu hỏi thuộc loại “Sẽ có chuyện gì xãy ra nếu…?” hoặc ra những bài tập đòi hỏi người học phải có tư duy sáng tạo, phải giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định, hình thành ý kiến …
4. Học sinh cần phải chịu trách nhiệm về việc học của bản thân mình. Ngoài ra, nên để học sinh tự đánh giá hơn là giáo viên đánh giá. Có ý kiến cho rằng các bài kiểm tra của giáo viên sẽ khuyến khích học sinh học vẹt và học vì điểm hơn là thực sự học và phát triển bản thân. Sự đánh giá của giáo viên cũng có thể làm cho học sinh sợ hãi và khó có thể tiến bộ được. Phải chăng chúng ta nên yêu cầu học sinh tự đánh giá bài làm hoặc phần việc của mình, và chỉ đưa ra đánh giá của giáo viên nếu việc tự đánh giá đó chưa thoả đáng.
Để học một cách có ý thức, người học không những cần phải biết mình sẽ phải thực hiện nhiệm vụ gì và kỹ năng dùng để thực hiện nhiệm vụ đó (ví dụ như học ngoại ngữ phải tra từ điển và kỹ năng tra từ điển như thế nào cho hiệu quả) mà còn tự mình thực hiện những kỹ năng đó để ngày càng thành thạo trong việc sử dụng những kỹ năng học tập. Những kỹ năng cần nắm vững là:
- Kỹ năng sử dụng từ điển
- Kỹ năng sử dụng thư viện
- Kỹ năng sử dụng những phương tiện nghe-nhìn
- Kỹ năng nghe-nói
- Kỹ năng đọc hiểu
- Kỹ năng viết-ghi chép
- Kỹ năng dự thi
5. Để đạt được mục đích giảng dạy tiếng Anh theo hướng giao tiếp, những giờ trên lớp, giáo viên phải chú ý tăng cường vốn từ vựng hơn là tăng cường phân tích ngữ pháp (vì mục đích của chúng ta không phải đào tạo ra những “cuốn sách ngữ pháp biết đi”), chú trọng vào kỹ năng nghe-nói chứ không phải đọc-viết và đặc biệt chú trọng việc phát âm.
Trong lớp học cần hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Ngoài ngôn ngữ bằng lời (verbal language), người thầy nên sử dụng cử chỉ, điệu bộ (body language) của mình để giúp người học hiểu bài. Mọi hoạt động trên lớp phải thể hiện được quy trình giao tiếp. Ai giao tiếp? Trò chứ không phải thầy. Người thầy sẽ trở thành nhân tố tạo điều kiện cho người học giao tiếp.
6. Thường xuyên tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên. Tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có cơ hội thực hành tiếng trong môi trường bản ngữ. Tìm phương hướng cấu tạo một khoá học mang tính đổi mới nhưng phù hợp với điều kiện của Tỉnh nhà và phản ánh được hình ảnh của thế giới. Tiến đến xu hướng kiểm tra, đánh giá hiện đại.
một vài, giải pháp, nâng cao, thực tiễn, tư duy, tích cực, xây dựng, hệ thống, giảng dạy, phù hợp, xu thế, tình hình, thế giới, phát huy, tối đa, phương tiện, hỗ trợ, học tập, tiến tới, xu hướng, kiểm tra
Ý kiến bạn đọc