CÔ TẤM TRONG KÍ ỨC TÔI!
(Cảm xúc sau khi học truyện cổ tích “Tấm Cám”)
Có lẽ, với tất cả chúng ta, tuổi thơ luôn gắn liền với những câu chuyện cổ tích qua lời kể ấm áp của bà, của mẹ. Bước vào thế giới kì diệu ấy, ta yêu mến biết bao những con người tuy sống vất vả, nghèo khổ và chịu nhiều bất công nhưng không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh. Ở họ vẫn luôn ánh lên vẻ đẹp lương thiện, nhân hậu và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.
Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã ấn tượng về một cô Tấm hiền dịu, nết na, chịu thương chịu khó. Tôi vẫn còn nhớ như in những lời ngoại nói:
“Ở đời cái gì cũng có luật nhân quả cả cháu ạ! Cô Tấm vì ở hiền nên mới được gặp lành. Sau bao nhiêu lần bị mẹ con Cám hãm hại, cuối cùng nàng cũng gặp lại nhà vua, được làm Hoàng hậu và có một cuộc sống hạnh phúc”. Càng nghe bà kể chuyện, tôi lại càng yêu mến cô Tấm của mình! Và như thế, hình ảnh về một cô Tấm ngoan hiền luôn sống trong tâm trí tuổi thơ của tôi.
Và rồi, năm tháng đi qua, tôi không còn là đứa trẻ, không còn được nghe mẹ và bà kể chuyện như xưa. Tình yêu truyện cổ tích trong tôi cũng theo năm tháng mà lớn dần lên. Tôi bắt đầu tự mình tìm đến thế giới cổ tích rộng lớn để được tắm trong không gian vừa như thực vừa như mơ. Từ không gian cổ tích ấy, tôi biết thêm nhiều điều về cô Tấm của mình. Rằng truyện
Tấm Cám không kết thúc ở chi tiết Tấm được trở lại làm Hoàng hậu và sống hạnh phúc bên nhà vua mà hết thúc truyện là sự trừng trị mẹ con Cám của Tấm. Với hành động giết Cám, cô Tấm trong tôi không còn hiền lành như xưa nữa mà thay vào đó là cô Tấm cũng nhẫn tâm và độc ác không kém gì mẹ con Cám. Tôi đã buồn biết chừng nào khi ngây ngô tin rằng đó đơn thuần là hành động trả thù tàn nhẫn của bản thân cô Tấm. Và ý nghĩ về một cô Tấm như thế cứ đeo đẳng tôi trong suốt một thời gian dài.
Những ý nghĩ ấy về cô Tấm chỉ được giải tỏa rõ ràng khi tôi có điều kiện tiếp cận truyện cổ tích
Tấm Cám một cách đầy đủ và toàn diện ở tiết đọc văn trong chương trình Ngữ văn 10. Sau bài học, vẫn nguyên vẹn trong tôi một cô Tấm hiền lành, nhân hậu song cũng không kém phần mạnh mẽ và quyết liệt khi dám đứng lên đấu tranh để giành và giữ hạnh phúc cho mình. Bài học đã giúp tôi có cái nhìn đúng đắn về hành động trả thù của Tấm. Đành rằng, nếu đặt trong mối quan hệ giữa con người với con người thì hành động ấy quả nhiên là có nhẫn tâm, độc ác! Nhưng đến đây tôi hiểu được rằng, đó không phải là hành động người này giết người kia. Thứ nhất, Tấm là nhân vật của truyện cổ tích, đó là kiểu nhân vật chức năng nhằm thể hiện tư tưởng, thái độ, ước mơ của người bình dân xưa. Hành động của Tấm thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân ta về xã hội công bằng, người hiền gặp lành, kẻ ác phải bị trừng trị đích đáng. Đó là quan niệm
“ở hiền gặp lành”,
“ác giả ác báo” mà nhân dân muốn gửi gắm. Thứ hai, trong tác phẩm, mẹ con Cám đã giết Tấm hết lần này đến lần khác cho thấy cái ác đã đi đến tột cùng. Cho nên, hành động của Tấm là hành động nhân danh cái Thiện trừng trị cái Ác. Thứ ba, cái Ác trong tác phẩm nó đeo bám dai dẳng và quyết liệt, nếu cái Thiện không tiêu diệt cái Ác thì cái Ác lại tiếp tục có cơ hội tiêu diệt cái Thiện. Ai dám khẳng định rằng sẽ không có lần giết hại thứ năm của mẹ con Cám đối với Tấm!!!
Hóa ra, những điều tác giả dân gian gửi gắm là rất sâu sắc chứ không hời hợt như tôi từng nghĩ! Cảm ơn những câu chuyện cổ tích, cảm ơn những con người bình thường, giản dị mà rất đỗi tài hoa đã sáng tạo ra một hình ảnh cô Tấm tuyệt đẹp. Chính hình ảnh đó đã, đang và sẽ nâng đỡ, chắp cánh cho bao ước mơ của trẻ thơ, để lại bài học sâu sắc cho bao thế hệ trên đất nước Việt Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptnghen.edu.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc