HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG CA DAO, TỤC NGỮ “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy, để em đến bến bờ ước mơ,…”. Những câu hát trên gợi nhắc tôi nhớ đến hình ảnh những người Thầy người Cô với những tình cảm thân thương, trìu mến. Không ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định:
“Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Từ xa xưa, vai trò, vị trí của người Thầy đã được đề cao, trân trọng. Trong mỗi người dân Việt Nam, truyền thống
“Tôn sư trọng đạo” như đã in sâu vào máu thịt. Không chỉ được khắc họa bởi thơ ca, nhạc họa mà trong ca dao, tục ngữ, hình ảnh người Thầy cũng được rõ nét và sâu sắc.
Có ai không nhớ, không biết đến câu tục ngữ:
Không thầy đố mày làm nên. Đúng vậy, với mỗi người học sinh, con đường tiếp nhận kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại đầy gian lao, chông gai và thử thách. Trên con đường ấy, không ít lần họ đã giẫm phải những cành hồng đầy gai, và có lúc họ có những lầm đường lạc lối, dù đã đạt được nhiều thành công khác nhau nhưng tất cả đều có ánh sáng soi đường, dẫn lối của người Thầy. Thầy dạy ta bao điều hay lẽ phải, Thầy cho ta biết cách đối nhân xử thế, Thầy uốn nắn cho ta những nét chữ đầu tiên, Thầy đưa ta đến những chân trời mới. Thử hỏi, không có Thầy liệu ta có làm được như vậy không? Không có Thầy, mãi mãi ta sẽ không biết đến kho tàng tri thức, không bao giờ bước tới bục vinh quang. Người dân Việt Nam ta xưa cũng đã từng cất lên lời ca thiết tha ân tình về vai trò quan trọng của người Thầy:
Mấy ai là kẻ không thầy Thế gian thường nói đố mày làm nên. Không có Thầy dạy dỗ, không có sự dìu dắt của Thầy thì làm sao ta có thể nên người, làm sao ta có thể vượt qua được những cạm bẫy trong cuộc đời để sống và cống hiến?
Từ khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta được ôm ấp, che chở, yêu thương bởi biết bao vòng tay ấm áp. Khi còn nhỏ, ta được cha mẹ chăm sóc, lo lắng, ta chịu ơn nuôi dưỡng
“cao như núi Thái Sơn” của cha, chịu cái nghĩa sinh thành
“như nước trong nguồn chảy ra” mãi mãi không bao giờ vơi cạn của mẹ. Để rồi khi lớn lên, ta được uốn nắn bởi bàn tay ân cần của người Thầy:
Mẹ cha công sức sinh thành Ra đường thầy dạy học hành cho hay.Ai cho ta biết
“thương người như thể thương thân”, ai cho ta biết
“lá lành đùm lá rách”, ai dạy ta lễ phép, biết
“kính trên nhường dưới” và ai cho ta con chữ? Đó không ai khác là người Thầy:
“Công cha, áo mẹ, chữ thầy Gắng công mà học có ngày thành danh” Mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra ta, cha mẹ làm lụng vất vả,
“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nuôi ta ăn học và không lớn. Thầy cô cho ta tri thức, truyền cho ta bao điều hay lẽ phải. Thầy cô chắp cánh những ước mơ, hoài bão cho ta. Cha mẹ, thầy cô luôn yêu thương, mong mỏi chúng ta trở thành người có ích cho xã hội. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải cố gắng học tập tật tốt để xứng đáng con ngoan của cha mẹ, trò giỏi của thầy cô, vươn tới đích mà mỗi người hướng tới cho bản thân.
Nhân dân ta quan niệm rằng một ngày là thầy, cả đời là cha. Thầy đáng được kính trọng như cha như mẹ. Những người
“kĩ sư tâm hồn” ấy vẫn hằng ngày miệt mài bên trang giáo án để đem đến cho học sinh những điều bổ ích nhất. Công ơn của Thầy cô to lớn biết nhường nào. Vậy nên, biết ơn, báo đáp và tri ân Thầy Cô là việc làm không thể thiếu đối với mỗi học sinh chúng ta. Đúng như ý nghĩa của câu ca dao:
Bao giờ anh chiếm bang vàng Ơn thầy anh trả, nghĩa nàng nào vong. Học hành nên người, thành danh là sự báo đáp ý nghĩa nhất của học trò đối với thầy cô giáo. Cho nên cách thể hiện tình cảm tốt nhất của chúng ta dành cho thầy cô là gắng học tập thật tốt, rèn luyện thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô!
Phải khẳng định rằng, ca dao, tục ngữ đã ghi nhận những công lao to lớn của người Thầy cũng như tình cảm của học trò dành cho người Thầy đáng kính của mình. Mỗi người học trò chúng ta, hãy biết biến những giá trị của ca dao, tục ngữ thành những tình cảm chân thành và sâu sắc nhất dành cho thầy cô giáo của mình. Hãy làm cho mỗi ngày đến trường của Thầy Cô và của chúng ta là những ngày vui!
Ý kiến bạn đọc