Cảm nhận về thời gian trong thơ Xuân Quỳnh
Hồn thơ Xuân Quỳnh vốn rất nhạy cảm với thời gian và sự chảy trôi, biến đổi. Xuyên suốt hành trình thơ Xuân Quỳnh từ tập đầu tay “Thổi biếc” đến tập “Hoa cỏ may” là nỗi ám ảnh khôn nguôi về thời gian.
Ngay từ bài thơ “Thổi biếc” (1963) khi Xuân Quỳnh còn là một cô gái 17 tuổi trẻ trung, chưa trải qua những mất mát, khổ đau nhưng tâm hồn nữ thi sĩ đã chất chứa ý thức về sự hữu hạn của đời người trước thời gian luân chuyển:
Này anh, em biết
Rồi sẽ có ngày
Dưới hàng cây đây
Ta không còn bước
Như người lính gác
Đã hết phiên mình
Như lá vàng rụng
Cho chồi thêm xanh
(Thổi biếc)
Càng về sau nỗi ám ảnh trong thơ Xuân Quỳnh càng lớn thêm, làm nên “điệu hồn riêng” cho thơ bà. Tuy vậy, cảm nhận về thời gian ở Xuân Quỳnh vừa có những nét chung phổ quát vừa có những nét riêng. Thời gian trong thơ bà thường gắn với cuộc đời tâm lí và thân phận của người phụ nữ. Xuân Quỳnh ý thức sâu sắc sự hữu hạn của cuộc đời, của tuổi trẻ và đặc biệt là nhan sắc:
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ có em là khác với em xưa
Hay:
Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
Chỉ em là đã khác với em thôi
(Hoa cúc-1980)
Với Xuân Quỳnh, thời gian đồng nghĩa với sự phai tàn nhan sắc. Nỗi lo phai tàn nhan sắc bắt nguồn từ nỗi lo ái tình phai nhạt trong trái tim yêu mãnh liệt của Xuân Quỳnh. Bà ý thức “Năm tháng qua tôi đã thay đổi nhiều” và xót xa tột cùng khi thấy mình khác xưa
Mặc dù Xuân Quỳnh có lúc tuyên bố dứt bỏ quá khứ nhưng quá khứ vẫn trở về trong thơ bà như là hiện thân của một tuổi trẻ say mê:
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa
(Hoa cỏ may)
Thời gian trôi qua kéo theo sự ra đi của tuổi trẻ:
Mùa hạ của tôi mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
(Mùa hạ-1986)
Xuân Quỳnh chấp nhận một quy luật tất yếu của cõi nhân gian để biết quý hơn tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” thể hiện cao độ sự ám ảnh về thời gian ở Xuân Quỳnh. Thời gian trong bài thơ là cuối mùa thu thường gợi sự tàn tạ, héo úa. Tấ cả mọi sự vật đều di dời: mây, gió, mùa,… chỉ còn “anh và em” ở lại trong sự gắn kết. Xuân Quỳnh nhận ra tình yêu là điểm tựa cho con người trụ lại trước sự di dời của thời gian.
Bài thơ “Thời gian trắng” như một tiên cảm trước về sự ra đi vĩnh viễn của mình. Xuân Quỳnh thấy thời gian màu trắng-rợn ngợp, hoang vu:
Em ở đây, không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
(Thời gian trắng – 1988)
Bài thơ ra đời trong thời gian Xuân Quỳnh đang nằm trong bệnh viện. Bởi thế, bà đo đếm thời gian “từng giờ, từng phút”. Và khi sự sống con người không còn có ích thì thời gian thành quá khứ, thời gian đồng nghĩa với sự vô nghĩa:
Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia
Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện
Chăn màn trắng nỗi lo và cái chết
Ngày với đêm có phân biệt gì đâu
(Thời gian trắng)
Xuân Quỳnh lúc nào cũng chống chọi, níu giữ với sự chảy trôi của thời gian bằng nỗ lực của bản thân. Bà luôn trân trọng những phút giây hạnh phúc trong hiện tại:
Xin đừng nhắc chuyện xưa sau
Hãy vui với sóng với tàu với em
(Tình ca trong lòng vịnh – 1983)
Nhưng lúc này anh ở bên em
Niềm vui sướng trong ta là có thật
(Nói cùng anh).
Ý kiến bạn đọc