Rss Feed Đăng nhập

Chuyên đề tháng 9 ngữ văn: ĐỌC-HIỂU HAI BÀI THƠ: NHỚ ĐỒNG CỦA TỐ HỮU VÀ TƯƠNG TƯ CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG SỰ ĐỐI SÁNH

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/10/2016 06:08 - Người đăng bài viết: nguvan
  ĐỌC-HIỂU HAI BÀI THƠ: NHỚ ĐỒNG CỦA TỐ HỮU VÀ TƯƠNG TƯ CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG SỰ ĐỐI SÁNH
I. Lí do chọn đề tài
Nhớ đồng của Tố Hữu và Tương tư của Nguyễn Bính là hai bài thơ hay được đọc thêm ở chương trình Ngữ văn lớp 11 ban cơ bản. Cả hai bài thơ đều là những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Cảm xúc chủ đạo của cả hai bài thơ là nỗi nhớ. Tuy nhiên mỗi bài thơ lại có vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng.Trong khoảng thời gian hạn chế dành cho hai bài đọc thêm này ở lớp, giáo viên cần định hướng cho học sinh cách đọc hiểu khoa học nhất để giúp các em vừa cảm nhận được vẻ đẹp của mỗi thi phẩm vừa nâng cao vốn kiến thức về nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Bởi vậy tôi chọn đề tài “Đọc-hiểu hai bài thơ: Nhớ đồng của Tố Hữu và Tương tư  của Nguyễn Bính trong sự đối sánh” để nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn dạy học.
II. Phần nội dung
1.  Cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn
a.  Cơ sở lí luận
Nhớ đồng của Tố Hữu, Tương tư của Nguyễn Bính là hai bài thơ có trong   chương trình học của môn Ngữ văn lớp 11 ban cơ bản.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 có hai bộ phận là bộ phận văn học hợp pháp và bộ phận văn học bất hợp pháp với các xu hướng văn học khác nhau, đó là xu hướng văn học hiện thực, xu hướng văn học lãng mạn và xu hướng văn học cách mạng.
Tố Hữu là tác giả tiêu biểu cho xu hướng văn học cách mạng thuộc bộ phận văn học bất hợp pháp,  Nguyễn Bính là tác giả tiêu biểu cho xu hướng văn học lãng mạn thuộc bộ phận văn học hợp pháp của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945.
Tìm hiểu hai văn bản theo đặc trưng thể loại để thấy được tình cảm, tư tưởng và tài năng của mỗi tác giả. Đối sánh hai văn bản với nhau để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi thi phẩm và sự phong phú, đa dạng của thơ ca hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930-1945.
b. Cơ sở thực tiễn
Nhớ đồng (Tố Hữu) và Tương tư (Nguyễn Bính) cùng với Lai Tân (Hồ Chí Minh), Chiều Xuân (Anh Thơ) là bốn văn bản được đọc thêm trong hai tiết. Thời gian có hạn nên giáo viên không thể hướng dẫn các em đọc- hiểu các văn bản một cách chi tiết, cụ thể. Tuy vậy trong giới hạn chương trình thi trung học phổ thông quốc gia,  những tác phẩm đọc thêm vẫn được chọn để làm đề thi.
Thực tiễn dạy học hiện nay yêu cầu giáo viên và học sinh phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, dạy học tác phẩm văn học phải chú ý đến đặc trưng thể loại và sự phát triển năng lực của học sinh.
 Từ những cơ sở thực tiễn đó, thiết nghĩ “Đọc- hiểu hai bài thơ: Nhớ đồng của Tố Hữu và Tương tư của Nguyễn Bính trong sự đối sánh” là việc làm có ý nghĩa để góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
2.  Nội dung của chuyên đề
2.1.Vẻ đẹp của bài thơ Nhớ đồng (Tố Hữu)
Nhớ đồng được Tố Hữu sáng tác khi ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) năm 1939. Bài thơ thuộc phần Xiềng xích của tập Từ ấy.
Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ.  Điệp khúc nhớ thương được diễn tả qua các câu thơ có biện pháp tu từ điệp cấu trúc :
“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!”
“Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!”
Nỗi nhớ được gợi lên từ tiếng hò của cuộc sống bên ngoài vọng vào nhà lao.
Người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi bị giam cầm trong nhà lao của giặc da diết nhớ thương cuộc sống tự do ở bên ngoài. Nhà thơ nhớ những hình ảnh quen thuộc ở đồng quê, đó là “ruồng tre’, “ô mạ”, “những nương khoai ngọt sắn bùi”, đó là “những đường con bước vạn đời”, “những xóm nhà tranh”. Nhà thơ nhớ những con người lao động cần cù “lưng cong xuống luống cày” mà tâm hồn lại ngập tràn niềm tin, niềm lạc quan vào cuộc sống:
“Mà bùn hi vọng nức hương ngây”
“Vẳng lên trong tiếng xe lùa nước
 Một giọng hò đưa hố não nùng”
Bao dáng hình quen thuộc giờ trở thành cách biệt xa xôi. Nỗi nhớ thương dâng trào trong tâm hồn người chiến sĩ cộng sản:
                         “Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
  Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!”
“Đâu những hồn thân tự thuở xưa
Những hồn quen dãi gió dầm mưa
Những hồn chất phác hiền như đất”
Ẩn sâu trong nỗi nhớ những hình ảnh đồng quê, những con người lao động ở thôn quê  ấy chính là tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào, tình yêu cuộc sống.
Nhà thơ nhớ lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình, đó là thời điểm chàng trai  trẻ ấy đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì bắt gặp ánh sáng của lí tưởng cách mạng mà trào dâng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó, niềm say mê lí tưởng đó được Tố Hữu diễn tả bằng những câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh:
“Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời...”
  Những biện pháp tu từ như: điệp cấu trúc câu, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, so sánh được nhà thơ sử dụng kết hợp với các từ ngữ cảm thán, các câu cảm thán đã diễn tả sâu sắc nỗi nhớ thương da diết cuộc sống bên ngoài của người tù cộng sản.
  Nhớ thương, yêu quý quê hương, đồng bào, cuộc sống tự do ở bên ngoài bao nhiêu thì nhà thơ lại cảm thấy cô đơn, buồn khổ bấy nhiêu khi phải sống trong cảnh tù đày:
“Cho tới chừ đây, tới chừ đây
Tôi mơ qua cửa khám bao ngày
Tôi thu tất cả trong thầm lặng
Như cánh chim buồn nhớ gió mây.”
Nhà thơ ví niềm khát khao cuộc sống tự do, khát khao được hành động cho cuộc sống tự do của mình cũng như cánh chim cô đơn có khát vọng được tung bay giữa bầu trời cao rộng.
Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ đã có ở đoạn trước để lắng lại cảm xúc nhớ thương:
“Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!”
Bài thơ Nhớ đồng hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật đặc sắc và tạo được sự đồng cảm sâu sắc ở người đọc bởi nội dung tư tưởng cao đẹp. Nhớ đồng là tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ cộng sản trong hoàn cảnh tù đày, là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân dân, tình yêu lí tưởng cách mạng, tình yêu cuộc sống tự do của những người thanh niên Việt Nam ưu tú. Để diễn tả nội dung tư tưởng đó,Tố Hữu đã sử dụng thể thơ tự do; nhiều biện pháp tu từ; hình ảnh phong phú, bình dị, gần gũi; dùng nhiều từ, câu cảm thán; giọng điệu thiết tha.
 
 
2.2            .  Vẻ đẹp của bài thơ Tương tư (Nguyễn Bính)
Tương tư (Nguyễn Bính) cũng được viết năm 1939, là bài thơ về đề tài tình yêu. Nhan đề của bài thơ là một từ Hán Việt. “Tương tư” có nghĩa là nỗi nhớ mong của trai gái khi yêu nhau, cũng có thể hiểu là nỗi nhớ đơn phương.
Bài thơ diễn tả tâm tư tình cảm của một chàng trai thôn quê yêu thầm nhớ trộm một cô gái cùng làng.
Chàng trai tâm sự:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
                           Một người chín nhớ mười mong một người.”
Câu thơ lục bát có sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, thành ngữ, các từ số đếm là một lời thổ lộ kín đáo nhưng tình cảm nhớ thương thì da diết, sâu nặng lắm rồi.
     “Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
Vì yêu nên mới tương tư và tương tư trở thành căn bệnh tự nhiên như gió như mưa của đất trời.
Thiết tha yêu người nhưng tình cảm của chàng trai lại không được đền đáp:
 “Ngày qua ngày lại qua ngày,
    Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
 Bảo rằng cách trở đò giang,
    Không sang là chẳng đường sang đã đành.
 Nhưng đây cách một đầu đình,
        Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...”
Khoảng cách không gian đâu có xa mà  sao khoảng cách tâm hồn lại xa vời vợi?
Chàng trai băn khoăn rồi rồi dỗi hờn, trách móc:
“Tương tư thức mấy đêm rồi
  Biết cho ai hỏi ai người biết cho!”.
Yêu đơn phương nhưng chàng trai vẫn khát khao, hi vọng, tin tưởng:
 “Bao giờ bến mới gặp đò
   Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”
  “Nhà em có một giàn giầu,
                        Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
 Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
                       Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Tha thiết với tình yêu, chàng trai luôn có khát vọng về hôn nhân, về hạnh phúc gia đình. Khát vọng tình yêu đó được gửi gắm trong những câu thơ lục bát có sử dụng biện pháp ẩn dụ, câu hỏi tu từ và những hình ảnh gắn với tình cảm lứa đôi.
Bài thơ Tương tư được viết bằng thể thơ lục bát, có lối nói vòng vo, sử dụng đại từ phiếm chỉ, sử dụng ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ, các hình ảnh quen thuộc, dân dã, hình ảnh có cặp, có đôi để diễn tả tiếng lòng của một chàng trai thôn quê có tâm hồn lãng mạn, có khát vọng về tình yêu, về quyền sống riêng tư. Nguyễn Bính đã mượn hình thức nghệ thuật đậm chất dân gian để bộc lộ cái tôi cá nhân giàu cảm xúc, yêu đời. Bởi vậy Tương tư rất tiêu biểu cho phong cách thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.
2.3              Đối sánh hai bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu và Tương tư của Nguyễn Bính
a.  Điểm giống nhau
Cả hai bài thơ đều được sáng tác năm 1939, như vậy hai bài thơ đều ra đời trong hoàn cảnh xã hội giống nhau, trong bối cảnh văn học Việt Nam phân chia thành nhiều xu hướng, bộ phận văn học khác nhau.
    Cả hai bài thơ đều diễn tả tâm trạng của những chàng trai, là tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trong xã hội thực dân nửa phong kiến.
  Cảm xúc chủ đạo của cả hai bài thơ là nỗi nhớ.
   Cả hai bài thơ đều có các hình ảnh bình dị, quen thuộc ở làng quê Việt Nam, có sử dụng thành ngữ,  câu hỏi tu từ.
b.  Điểm khác nhau
 - Về nhan đề
 Nhớ đồng là từ thuần Việt. Tương tư là từ Hán Việt.
- Về nhân vật trữ tình
 Ở Nhớ đồng là người chiến sĩ cộng sản bị giam cầm trong nhà lao của giặc.
 Ở Tương tư là chàng trai có tâm hồn lãng mạn.
 - Đối tượng trữ tình
Nhớ đồng là quê hương đất nước, nhân dân, lí tưởng cách mạng, cuộc sống tự do.
Tương tư là cô gái thôn quê.
- Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình
Nhớ đồng của Tố Hữu diễn tả nỗi nhớ da diết quê hương, đồng bào; niềm say mê lí tưởng cộng sản;  nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cảnh tù đày; khát vọng về cuộc sống tự do của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi bị giam cầm trong nhà lao của giặc. Ẩn sâu trong đó là tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào, tình yêu lí tưởng, yêu cuộc sống tự do.
Tương tư của Nguyễn Bính diễn tả những cung bậc tình cảm của một chàng trai thôn quê trong tình yêu đơn phương. Chàng trai “chín nhớ mười mong” một cô gái khác thôn cùng làng. Thầm yêu trộm nhớ, tình cảm không được đáp đền, nên chàng trai băn khoăn, hờn dỗi. Dẫu vậy, chàng trai vẫn khát khao, vẫn hi vọng về hạnh phúc lứa đôi.
-Từ ngữ:
Nhớ đồng dùng nhiều từ cảm thán, từ số nhiều
Tương tư  dùng từ số ít, đại từ phiếm chỉ
- Hình ảnh
Hình ảnh ở Nhớ đồng là hình ảnh thiên nhiên, con người gắn với cuộc sống lao động. Hình ảnh ở Tương tư là hình ảnh thiên nhiên, con người gắn với tình cảm lứa đôi.
- Biện pháp tu từ
Nhớ đồng bên cạnh câu hỏi tu từ còn có thêm điệp cấu trúc câu, điệp ngữ, so sánh.
Tương tư bên cạnh câu hỏi tu từ còn có thêm hoán dụ, ẩn dụ.
c.   Lí giải điểm giống và khác nhau
Cả hai bài thơ đều là thơ trữ tình nên có chung đặc điểm của thơ trữ tình: đi sâu vào tâm tư, tình cảm, những chiêm nghiệm của con người về cuộc đời.
Tố Hữu và Nguyễn Bính là hai nhà thơ thường tìm về với điệu hồn của dân tộc nên cả hai bài thơ đều thấm đẫm tinh thần dân tộc.
Hai tác phẩm có chung cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ nhưng hoàn cảnh bộc lộ tâm trạng của hai nhân vật trữ tình khác nhau chi phối đến việc sử dụng các yếu tố nghệ thuật khác nhau. Hơn nữa cùng là thơ trữ tình nhưng hai bài thơ lại có vẻ đẹp riêng  bởi mỗi tác giả có những nét riêng về tư tưởng và phong cách sáng tác. Tố Hữu là chiến sĩ cộng sản, là nhà thơ cách mạng, Nhớ đồng của Tố Hữu là tiếng nói của cái tôi công dân, cái tôi cộng đồng. Còn Nguyễn Bính là nhà thơ lãng mạn (ông từng được nhận giải thưởng của nhóm Tự lực văn đoàn), Tương tư của Nguyễn Bính là tiếng nói của cái tôi cá nhân giàu cảm xúc.
2.4. Giáo án thực nghiệm
  Với hai tiết dành cho bốn văn bản đọc thêm là Nhớ đồng (Tố Hữu), Tương tư (Nguyễn Bính), Lai Tân (Hồ Chí Minh), Chiều Xuân (Anh Thơ), giáo viên có thể dành một tiết để hướng dẫn học sinh đọc-hểu hai văn bản: Nhớ đồng (Tố Hữu)  và Tương tư (Nguyễn Bính)  trong sự đối sánh.
 Với hướng đọc- hiểu này mong rằng  giờ học sẽ mang lại cho học sinh hứng thú học tập, góp phần phát huy năng lực đọc văn, kĩ năng hợp tác, trao đổi, thảo luận, trình bày vấn đề của tất cả các đối tượng học sinh.
  Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được đề xuất giáo án thực nghiệm cho tiết đọc thêm hai văn bản: Nhớ đồng của Tố Hữu và Tương tư của Nguyễn Bính.
    
Đọc thêm:                        Nhớ đồng
                                                -Tố Hữu-
                                        Tương tư
                                                -Nguyễn Bính-
I. Mục tiêu
1. Kiến thức
- Qua Nhớ đồng cảm nhận được nỗi nhớ da diết của người tù cộng sản với cuộc sống bên ngoài xã hội, tình yêu quê hương, đồng bào, niềm khát khao yêu cuộc sống; nắm được cách lựa chọn hình ảnh, miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật trữ tình của Tố Hữu
- Qua Tương tư cảm nhận được tâm tư và khát vọng của chàng trai thôn quê về một tình yêu chung thủy với tất cả niềm yêu thương, trách móc, hờn giận, mong mỏi; thấy được chất dân dã trong thơ Nguyễn Bính.
   - Hiểu được sự phong phú của thơ ca Việt Nam giai đoạn 1930-1945.
2. Kỹ năng
- Đọc - hiểu hai bài thơ theo đặc trưng thể loại
- Biết cách đối sánh hai văn bản cùng thể loại
3. Thái độ
- Thái độ trân trọng giá trị của cuộc sống
II. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
1. Giáo viên: Sgk, sgv, sách tham khảo, chuẩn kiến thức và kĩ năng
2. Học sinh:  Sgk, sách tham khảo, vở bài soạn, vở ghi, đồ dùng học tập
III. Các bước thực hiện
HĐ 1. Hoạt động khởi động
Giáo viên tổ chức cho hs đọc những câu thơ của Tố Hữu và của Nguyễn Bính mà các em biết.
Hoạt động của giáo viên và học sinh                  Nội dung cần đạt
 
HĐ2. Hình thành kiến thức mới
 
 
GV hướng dẫn học sinh tìm hiểu trước những nét khái quát về hai tác giả và hai tác phẩm
Gv yêu cầu hs tự tìm hiểu ở nhà  mục tiểu dẫn ở SGK trang 46 và trang 49, mục Tiểu dẫn của bài Từ ấy, tìm hiểu sách tham khảo để nắm vững kiến thức khái quát về hai tác giả và  hai bài thơ.
Gv bổ sung kiến thức và giúp hs chốt ý cơ bản.
 
 
 
 
 
 
 
Gv hướng dẫn học sinh đọc-hiểu hai văn bản theo đặc trưng thể loại
Gv yêu cầu hs xác định các đợn vị kiến thức cần đọc hiểu ở hai văn bản thơ trữ tình này.
 
Hs dựa vào cách đọc hiểu các văn bản thơ trữ tình để xác định các đơn vị kiến thức cần đọc hiểu.
Gv và hs thống nhất các đợn vị kiến thức cần đọc hiểu ở mỗi bài thơ.
 
 
 
Gv phát vấn hs:
 Nhận xét nhan đề của hai bài thơ?
Hãy xác định nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình trong hai bài thơ?
Hs trả lời
Gv nhận xét, kết luận.
 
 
 
Gv tổ chức hs theo các nhóm nhỏ, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm, mỗi nhóm nghiên cứu một câu hỏi, ghi ý kiến trả lời, trình bày trước lớp.
Các nhóm khác nhận xét, bổ sung.
Gv nhận xét, kết luận
 Câu hỏi để các nhóm thảo luận, tìm hiểu:
Nhóm 1: Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Nhớ đồng?
Nhóm 2: Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tương tư?
 
Nhóm 3: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Nhớ đồng?
 
 
 
 
Nhóm 4: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Tương tư?
 
 
 
 
Sau khi các nhóm trình bày, giáo viên nhận xét, kết luận ý cơ bản.
 
 
Gv tổ chức cho cả lớp đối sánh hai văn bản
 
 
Gv nêu vấn đề:
 Hãy chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa hai bài thơ? 
 
 
 
 
 
 
 
Nét đẹp riêng của hai bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh xã hội đã giúp em hiểu được điều gì?
 
Cả lớp suy nghĩ và phát biểu ý kiến.
Gv nhận xét, bổ sung, kết luận.
 
Văn bản
 
       Nhớ đồng           Tương tư
 
 
 
 
I. Kiến thức khái quát về hai tác giả  và hai tác phẩm
 
 
 
-Tố Hữu sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng. Sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu gắn liền với sự nghiệp cách mạng.
 
 
 
-Nhớ đồng được viết trong những ngày nhà thơ bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Bài thơ thuộc phần“Xiềng xích” của tập Từ ấy
 
-Nguyễn Bính có tuổi thơ vất vả, năng khiếu thơ văn bộc lộ sớm, từng được nhận giải thưởng của nhóm Tự lực văn đoàn. Sau đó ông tham gia cách mạng viết văn, làm báo phục vụ cách mạng.
-Bài thơ Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, rất tiêu biểu cho phong cách thơ “chân quê” của Nguyễn Bính.
 
 
 
II. Đọc- hiểu hai văn bản
 
 
 1. Nhan đề
 
 
 
 
 
-Từ thuần Việt
-Nỗi nhớ đồng quê.
 
 
 
 
-Từ Hán Việt
 -Nỗi nhớ người yêu.
 
 
 2. Nhân vật trữ tình
 
Người chiến sĩ cộng sản bị giam cầm trong nhà lao của giặc Chàng trai có tâm hồn lãng mạn.
 
 
3. Đối tượng trữ tình
 
Quê hương đất nước, nhân dân, lí tưởng cách mạng, cuộc sống tự do.
 
Cô gái thôn quê.
 
4. Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình
 
 Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi bị giam cầm trong nhà lao của giặc có nỗi nhớ da diết quê hương, đồng bào -> Niềm say mê lí tưởng cộng sản -> Nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cảnh tù đày -> Khát khao được hành động, khát vọng về cuộc sống tự do.  Chàng trai “chín nhớ mười mong” một cô gái khác thôn cùng làng -> Chàng trai băn khoăn, hờn dỗi (vì tình cảm không được đáp đền) ->  Chàng trai vẫn khát khao, hi vọng về hạnh phúc lứa đôi.
 
5. Nghệ thuật diễn tả tâm trạng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
- Thể thơ tự do.
-Từ ngữ: dùng thành ngữ, nhiều từ cảm thán, từ số nhiều.
-Hình ảnh ở Nhớ đồng là hình ảnh thiên nhiên ở đồng quê, đó là “ruồng tre”, “ô mạ”, “những nương khoai ngọt sắn bùi”, đó là “những đường con bước vạn đời”,  “những xóm nhà tranh”,
hình ảnh những con người lao động cần cù.
 -Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc câu, điệp ngữ, so sánh.
-Thể thơ lục bát
-Từ ngữ: dùng thành ngữ , từ số ít, đại từ phiếm chỉ.
 
-Hình ảnh ở Tương tư là hình ảnh quen thuộc, dân dã, sóng đôi như: thôn Đoài - thôn Đông, tôi- nàng, hai thôn - một làng, bên ấy-bên này, bến- đò, trầu-cau...
 
 
 
 
 
 
 
-Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ, hoán dụ, ẩn dụ
 
 
6. Giá trị nội dung tư  tưởng
 
 
 
Nhớ đồng là tiếng nói của cái tôi công dân, là bài thơ về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân dân, tình yêu lí tưởng cách mạng, tình yêu cuộc sống tự do. Tương tư mang vẻ đẹp trữ tình của một tình yêu chân quê thuần phác, là tiếng nói của cái tôi cá nhân lãng mạn, giàu cảm xúc, là khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi, về quyền sống riêng tư.
III. Đối sánh  hai văn bản
-Điểm giống nhau:
Hai bài thơ đều ra đời năm 1939 (cùng một hoàn cảnh xã hội). Cảm xúc chủ đạo của hai bài thơ đều là nỗi nhớ. Nhân vật trữ tình  là các chàng trai.
Cả hai bài thơ đều có các hình ảnh thân quen của dân tộc, có sử dụng thành ngữ, câu hỏi tu từ.
-Điểm khác nhau:
+ Đối tượng trữ tình
+Hoàn  cảnh nảy sinh tâm trạng của nhân vật trữ tình,
diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình.
+Nghệ thuật sử dụng thể thơ, từ ngữ, nghệ thuật kết hợp các biện pháp tu từ, hình ảnh.
+Giá  trị nội dung tư tưởng
 =>Nét đẹp riêng của hai bài thơ trữ tình ra đời trong cùng một hoàn cảnh lịch sử xã hội cho thấy:
- Vẻ đẹp tâm hồn của mỗi thi nhân. Vẻ đẹp  tâm hồn của con người Việt Nam.
-Tài năng, đặc điểm riêng trong sáng tác của mỗi thi nhân (Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cách mạng, Nguyễn Bính là nhà thơ lãng mạn có phong cách “chân quê”)
-Sự phong phú, đa dạng của thơ ca Việt Nam giai đoạn 1930- 1945. Nhớ đồng mang vẻ đẹp của thơ ca cách mạng. Tương tư có vẻ đẹp của thơ lãng mạn.
HĐ 3 . Thực hành
Gv tổ chức cho hs chọn một đoạn thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ thuộc một trong hai văn bản để phân tích.
HĐ 4. Hoạt động ứng dụng
Gv tổ chức cho hs rút ra bài học về sự trân trọng giá trị của cuộc sống.
  HĐ 5. Hoạt động bổ sung
 - Học thuộc lòng hai bài thơ
 - Tìm đọc thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Bính
 - Sưu tầm các bài hát, các lời ru  phổ thơ của Nguyễn Bính, của Tố Hữu
 III. Kết luận
Chuyên đề này chỉ là những cảm nhận riêng của tôi về hai bài thơ Nhớ đồng của Tố  Hữu và Tương tư của Nguyễn Bính, là đề xuất nhỏ mang tính chủ quan về một hướng  đọc- hiểu  hai văn bản đọc thêm cùng là thơ trữ tình thuộc giai đoạn văn học 1930-1945. Bài viết còn nhiều thiếu sót, hạn chế.  Rất mong nhận được sự góp ý của bạn bè đồng nghiệp để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
                                                                             
  Can Lộc tháng 9 năm 2016.

 
Tác giả bài viết: Lê Thị Quỳnh Hương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

VĂN BẢN MỚI

Số: Số 19/KH-CĐCS
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Tết Trung thu năm 2023)

Ngày BH: (22/09/2023)

Số: Quyết định phê duyệt danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023 của trường THPT Nghèn
Tên: (danh mục Sách lớp 11 năm học 2022 - 2023)

Ngày BH: (19/06/2023)

Số: 1330/QĐ-UBND
Tên: (Phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10)

Ngày BH: (09/06/2023)

Số: 42/TB-SGDĐT
Tên: (Về việc thăm dò dư luận đối với các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" lần thứ 16 - Năm 2023)

Ngày BH: (09/01/2023)

Số: Số: 98/QĐ-THPTN
Tên: (Quy định học trực tuyến)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: Số: 97/KH-THPTN
Tên: (Kế hoạch dạy học trực tuyến - THPT Nghèn)

Ngày BH: (04/09/2021)

Số: SNV-CCVC
Tên: (V/v hướng dẫn một số nội dung về lấy ý kiến nhận xét, đánh giá để thực hiện việc khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư)

Ngày BH: (21/12/2020)

Số: 3313/BGDĐT-GDĐH
Tên: (Điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh)

Ngày BH: (28/08/2020)

Số: 61 /KH-THPTN
Tên: (Thực hiện công văn chỉ đạo Số: 611/SGDĐT-GDPT, ngày 16/4/2020 và các công văn hướng dẫn của Sở về việc dạy học qua Internet trong thời gian qua, Trường THPT nghèn xây dựng quy định về việc dạy học qua Internet trong thời gian tới như sau:)

Ngày BH: (18/04/2020)

Số: Số: 239-KH/TWĐTN-TNTH
Tên: (KẾ HOẠCH Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III, năm học 2019 - 2020)

Ngày BH: (18/10/2019)

Danh mục

Thư viện hình ảnh

  Hoạt động

-1 photos | 4214 view

  Giải trí

1 photos | 3917 view

  Kỷ yếu

0 photos | 2487 view

Thống kê

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1112
  • Tháng hiện tại: 1112
  • Tổng lượt truy cập: 8132983

Hỗ trợ online

Võ Đức Ân
0964867606