Nói đến nét đẹp phụ nữ Viêt Nam là nói đến “công, dung, ngôn, hạnh”, được hình thành từ thời phong kiến và cho đến nay nó vẫn tiếp tục được gìn giữ, khẳng định và phát triển vì đó là nét đặc trưng tiêu biểu của người phụ nữ VN đó là giá trị, phẩm giá,đức hạnh – vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp đạo đức, vẻ đẹp trí tuệ, vẻ đẹp toàn diện sâu sắc.
Theo quan niệm xưa, “công, dung, ngôn, hạnh” được xem là bốn đức tính tốt đẹp, là chuẩn mực đạo đức, cốt yếu để đánh giá một người phụ nữ và được xem là “khuôn vàng thước ngọc”.
“Công” đứng đầu trong tứ đức, nghĩa là khéo léo trong công việc nhà. Với xã hội xưa, người phụ nữ giỏi là người phụ nữ đảm đang nữ công gia chánh; giỏi về cầm, kì, thi, họa. Ngày nay, chữ “công” đã không còn bị bó buộc trong gia đình mà đã vươn lên trong xã hội. Những người phụ nữ đã có thể làm chủ, tạo thế đứng cho mình trong xã hội. Người phụ nữ không chỉ là chỗ dựa cho chồng, cho con mà họ còn là niềm hi vọng, sự tin tưởng của toàn xã hội. Với đầu óc nhạy bén, trí thông minh vượt bậc người phụ nữ đã và đang đóng góp một phần không nhỏ tới việc xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh.
Gắn liền với chữ “công” là chữ “dung”, nhan sắc là thứ quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Chế độ phong kiến xưa, chữ “dung” được hiểu là người con gái đài các, như cành tơ liễu buông mành, khiến liễu hờn, hoa ghen, ngọc thốt. Chữ “dung” rất quan trọng với người phụ nữ dù trong mọi thời đại nhưng giờ đây, người phụ nữ đối với chữ “dung” đã không còn là liễu yếu đào tơ, họ đã vươn lên một cách mạnh mẽ như cành liễu xanh đã vén mành, họ không còn phải khiêm nhường mà kiên cường quật dậy để thay đổi và làm chủ xã hội này.
Một người phụ nữ đẹp là đẹp cả hình thức bên ngoài lẫn cốt cách, con người bên trong. “Ngôn” là phẩm hạnh thứ ba mà người phụ nữ không thể thiếu đi, nó quan trọng hơn bao giờ hết. Theo xã hội xưa, người con gái có phẩm hạnh tốt thì phải biết kiệm lời nhưng khi nói thì mỗi chữ, mỗi câu thốt ra phải đáng giá ngàn vàng; lời nói đoan chính, dễ nghe, nhỏ nhẹ như suối nước trong; nhu mì, hiền hòa như lời ca của thiên nhiên. Nhưng giờ đây, lời của người phụ nữ ngoài nhẹ nhàng, nhu mì ra còn phải cần có sự sắc sảo, nhạy bén, kiên định; dùng tiếng nói của chính mình để vươn lên, tìm lấy chân lí trong cuộc sống và xã hội, phải khiến người khác cảm phục, kính nể trước mỗi lời nói của mình.
Mỗi người con gái đều có một phẩm giá riêng và nó được đánh giá về đức hạnh của người con gái ấy. Chữ “hạnh” là phẩm chất quý giá mà người phụ nữ cần có. Xã hội phong kiến cho rằng chữ “hạnh” có nghĩa là đức tính hiền thục, nết na như dải lụa mềm mỏng; có hiếu với gia đình nhà chồng, là một người mẹ hiền vợ đảm; làm tròn bổn phận như những điều đã đề ra trong Tam tòng. Giờ đây, người phụ nữ không những làm tốt mà còn khẳng định cho mọi người biết rằng đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ không chỉ qua những điều họ làm cho gia đình mà còn qua những hành động của họ đối với xã hội, cộng đồng.
Như vậy, “công, dung, ngôn, hạnh” là nét đẹp vĩnh cửu, xuyên thời đại. Và lịch sử đã vẽ thêm cho ngời phụ nữ Việt Nam vẻ đẹp “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”trở thành niềm tự hào truyền thống của dân tộc, thấm nhuần các giá trị tinh thần to lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã dày công vun đắp. Mỗi chúng ta, nhất là những bạn trẻ - những nữ sinh hôm nay và mãi mai sau cần giữ gìn và phát huy vẻ đẹp đó, không nên chạy theo những phù phiếm, những vẻ đẹp ngoại lai, những phong cách không phù hợp với thời đại, đạo đức. Ta cần mở mang trí tuệ, rèn luyện phẩm chất, đạo đức để xứng với những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Tác giả bài viết: Nguyễn Kim Hoa
truyền thống, phụ nữ, phong kiến, tiếp tục, gìn giữ, khẳng định, phát triển, tiêu biểu, giá trị, tâm hồn, đạo đức, trí tuệ, toàn diện, quan niệm, đức tính, tốt đẹp, đánh giá, khuôn vàng, tứ đức, nghĩa là, khéo léo
Ý kiến bạn đọc